Page 1 of 2
Dù có làm việc ở đâu trong cuộc sống hằng ngày, cả đến sự hầu việc Chúa trong Hội Thánh, chúng ta bao giờ cũng ở trong một tập thể. Tập thể có thể lớn hàng trăm hàng nghìn con người, cũng có thể nhỏ chỉ vài ba người. Khi ở trong một tập thể, bao giờ cũng có những người lãnh đạo – cũng chính là người chịu trách nhiệm chính, và có những người dưới quyền cùng làm việc. Thậm chí những người lãnh đạo cũng không phải là hoàn toàn tự do, mà họ lại cũng ở dưới quyền lãnh đạo của những người khác nữa.Có một tính cách đặc biệt cần thiết đối với từng thành viên làm việc dưới quyền người khác. Đây cũng là nguyên tắc để một con người được tôn trọng, đánh giá và cất nhắc trong công việc, cũng là cơ sở để con người đó có thể trưởng thành, phát triển đi lên. Hơn thế nữa, điều này đặc biệt cần thiết trong Hội Thánh và sự hầu việc Chúa, bởi vì khác với tất cả các tổ chức bình thường dựa trên cơ sở lợi nhuận – thì công việc Chúa trong Hội Thánh phần nhiều dựa trên lòng sốt sắng của những tín đồ. Mặc dù vậy, đối với nhiều người điều này không phải là hiển nhiên dễ thấy.
Đó là lòng trung thành.
Chúa Jê-sus đã nói rất rõ về điều đó trong Lu-ca đoạn 16:10-12
10 Ai trung tín trong việc rất nhỏ, cũng trung tín trong việc lớn; ai bất nghĩa trong việc rất nhỏ, cũng bất nghĩa trong việc lớn.
11 Vậy nếu các ngươi không trung tín về của bất nghĩa, có ai đem của thật giao cho các ngươi?
12 Nếu các ngươi không trung tín về của người khác, ai sẽ cho các ngươi được của riêng mình?
Như vậy, nguyên tắc để thăng tiến trên bất cứ một công việc nào – đó là thái độ trung thành phải có trong lòng mỗi chúng ta. Chúng ta cần phải trung tín "trên vườn nho của người khác" – nghĩa là trong công việc, trong sự kêu gọi của người khác (người đang lãnh đạo mình), thì sau đó Đức Chúa Trời mới ban cho chúng ta có được "vườn nho của mình". Nếu chúng ta trung tín trong công việc mà mình đang làm, thì Chúa sẽ mở cho chúng ta những cơ hội công việc và hầu việc nhiều hơn nữa.
Đấy chính là tiêu chuẩn đòi hỏi với người hầu việc (cả trong công việc Chúa và công việc đời thường) mà sứ đồ Phao-lô đã khẳng định với chúng ta.
2 Cô-rinh-tô 4:2
Vả lại, cái điều người ta trông mong nơi người quản trị là phải trung thành.
Và chính Phao-lô cũng hiểu và có được tính cách quý báu đó:
1Ti 1:12 Ta cảm tạ Đấng ban thêm sức cho ta, là Đức Chúa Jêsus Christ, Chúa chúng ta, về sự Ngài đã xét ta là trung thành, lập ta làm kẻ giúp việc;
Nếu xem lại trong tấm gương trong lịch sử Kinh thánh, chúng ta sẽ thấy nhiều con người đã trung tín xuất sắc trong vai trò phụ tá của mình, để đến thời điểm - Đức Chúa Trời đã nhấc họ lên. Giô-suê trung thành hầu việc và phục vụ Môi-se và chính ông đã được nhấc lên để thay vào địa vị của Môi-se - dẫn dân sự vào miền đất hứa. Tiên tri Ê-li-sê trung thành đi theo tiên tri Ê-li cuối cùng được sự xức dầu gấp đôi từ Chúa. Giô-sép trung thành trong mọi hoàn cảnh cả khi làm quản trị trong nhà, cả khi bị bỏ tù, để cuối cùng được chính Đức Chúa Trời nhấc thẳng từ trong nhà tù ra lên ngay chức tể tướng của cả Ai-cập hùng mạnh thời đó. Thời kỳ Tân Ước – Timôthê, Ê-pháp-ra, luôn giúp việc Phao-lô... những con người đó đã trung tín trong vị trí phụ của mình, để sau đó lại được Chúa cất nhấc lên vào địa vị lãnh đạo, tiếp tục được công việc của những người đi trước mình.
Điều gì xảy ra với chúng ta khi chúng ta trung tín trên "vườn nho của người khác"? Có thể liệt kê ra đây 10 lợi ích của lòng trung tín, mong rằng nó sẽ biến đổi cách suy nghĩ của bạn đọc thân mến, để ai trong số chúng ta, nhất là con cái Chúa – ai ai cũng học được lòng trung thành và được khen ngợi trước mắt Đức Chúa Trời, cũng như nhờ đó mà danh Chúa được tôn trọng giữa các dân.
- Trang trước
- Trang sau >>