Chúa sẽ tìm gặp em!

John Powell, một giảng-sư tại trường đại-học Loyola tại Chicago, viết về một sinh-viên tên là Tommy trong lớp học “Thần-học Đức-tin” của ông như sau:

Cách đây khoảng mười hai năm, tôi đứng quan-sát các sinh-viên của tôi sắp hàng vào học buổi đầu-tiên của lớp “Thần-học Đức-tin” của tôi. Đó là ngày đầu-tiên tôi gặp Tommy. Cả đôi mắt lẫn trí-óc tôi bị giật một cái. Cậu ta đang chải mái tóc vàng chảy dài quá vai đến một gang tay.
Đây là lần đầu-tiên tôi thấy một câu trai có mái tóc dài đến như thế. Tôi đoán chừng đấy là mốt mới. Trí của tôi nói với tôi rằng không phải những gì mọc trên đầu một người là đáng kể, nhưng những gì chứa bên trong cái đầu ấy mới là điều đáng kể; dầu vậy, ngày hôm ấy, tôi chưa sẵn-sàng cho điều này, và cảm-xúc tôi bị xáo-trộn. Tôi tức-thì sắp hạng Tommy vào dưới vần “K” tức kỳ-cục, rất kỳ-cục.
Rồi Tommy hiện nguyên hình là “kẻ vô-thần nội-trú” trong lớp học “Thần-học Đức-tin” của tôi. Cậu ta liên-tục phản-kháng, dè bỉu, hoặc chê-trách về sự khả-tín của một Đức Chúa Cha có tình yêu-thương vô-điều-kiện. Chúng tôi sinh-hoạt với nhau tương-đối là hòa-bình suốt một tam-cá-nguyệt, cho dù tôi phải công-nhận rằng có những lúc, cậu ta là một cục nợ nặng ngồi cuối lớp.
Vào cuối khóa học, khi cậu ta đến để trao bài thi cuối khóa, với một giọng nói đượm chút ngờ-vực, cậu ta hỏi tôi , “Thầy có nghĩ rằng tôi có thể tìm thấy Chúa không?” Tôi tức-thì quyết-định ngay là phải áp-dụng một màn trị-liệu bằng phương-pháp chấn-động. “Còn khuya!” Tôi nói một cách mạnh-mẽ. Cậu ta đáp lời ”Ô, vậy mà em cứ tưởng là thầy đang cố rao bán điều ấy chứ.”
Tôi cố-ý đợi cho cậu ta bước ra khỏi cửa lớp khoảng năm bước , rồi mới gọi vói ra, “Tommy! Tôi không nghĩ rằng em sẽ gặp Chúa, nhưng tôi chắc-chắn trăm phần trăm rằng Chúa sẽ tìm thấy em!”.
Cậu ta hơi nhún vai, rồi bước ra khỏi lóp và ra khỏi cuộc đời tôi. Tôi cảm thấy hơi thất-vọng khi thoáng nghĩ rằng cậu ta đã không bắt được câu gợi ý khéo-léo của tôi :”Chúa sẽ tìm thấy em!” Ít ra cũng còn được câu khéo-léo, tôi nghĩ vậy.
Sau đó tôi nghe tin rằng Tommay đã ra trường, và tôi cảm thấy thật nhẹ-nhõm. Rồi một tin buồn đến. Tôi nghe nói rằng Tommy bị bệnh ung-thư không chữa được. Nhưng trước khi tôi tìm đến gặp Tommy, thì cậu ta đã đến gặp tôi trước. Khi cậu bước vào văn-phòng, tôi thấy thân-thể cậu thật quá tiều-tuỵ, và mái tóc dài đã rụng hết vì tác-dụng của cuộc trị-liệu dược-phẩm, nhưng cặp mắt cậu ngời sáng, và tôi tin rằng đây là lần đầu-tiên tôi nghe giọng cậu mang vẻ rắn-rỏi.
“Ồ Tommy, Tôi thường nghĩ đến em luôn. Nghe nói em bị bệnh.” Tôi thốt lên.
“Vâng, em bệnh, mà bệnh nặng lắm. Em bị ung-thư cả hai buồng phổi. Em chỉ còn được vài tuần nữa mà thôi.”
“Em có thể nói về chuyện này được không ?” tôi hỏi.
“Được chứ, thầy muốn biết về điều gì ?” cậu ta trả lời.
“Em có cảm-tưởng như thế nào khi biết rằng mình đang chết trong lúc chỉ mới hai mươi bốn tuổi ?”
“Ờ, có khi còn tệ hơn nữa đó.”
“Chẳng hạn như ?”
“ Dạ, chẳng hạn như mình đang ở tuổi năm mươi mà không có một giá-trị nào hay một lý-tưởng nào hết; hay là đã năm mươi tuổi rồi mà còn nghĩ rằng rượu chè, đàn-bà hấp-dẫn, và kiếm nhiều tiền là những điều thực-sự “thành-công lớn” trong cuộc đời.”
( Tôi bắt đầu làm một cuộc lục-soát hồ-sơ trong tâm-tưởng những hồ-sơ đánh dấu mẫu-tự “K” mà tôi đã xếp Tommy thuộc loại kỳ-cục ở đó. Tôi thấy hình như là bất-kỳ những ai mà tôi cố phân-hạng họ để có cớ chối-bỏ họ, thì Chúa luôn gửi họ trở lại để dạy-dỗ tôi.)
Tom nói “Nhưng điều em thực-sự muốn gặp thầy để nói, là cái điều mà thầy đã nói với em ngày cuối-cùng của lớp học.”
(Cậu ta nhớ!) Cậu nói tiếp,” em hỏi thầy rằng thầy có nghĩ em sẽ tìm thấy Chúa không, thì thầy nói, “Còn khuya!” khiến em ngạc-nhiên. Rồi thầy nói, “ Nhưng Chúa sẽ tìm gặp em.” Em nghĩ về điều này rất nhiều, cho dù sự tìm-kiếm Chúa của em trong thời-gian ấy thật là mãnh-liệt.”
(Câu nói khéo-léo của tôi….Cậu ta có nghĩ về câu này rất nhiều!)
“Nhưng khi bác-sĩ cắt bỏ một cục từ trong bụng em và cho em biết là cục này có mầm bệnh, thì đó là lúc em trở nên nghiêm-trang trong việc đi tìm Chúa. Và khi mầm bệnh lan qua những cơ-quan trọng-yếu của em, thì em thực sự đã dùng nắm tay đẫm máu của mình mà đập cánh cửa bằng đồng của thiên-đàng, nhưng Đức Chúa Trời đã không xuất-hiện. Sự thật là, chẳng có chuyện gì xẩy ra hết. thầy đã từng bao giờ cố-gắng hết sức mình để xin một điều gì trong một thờI-gian rất lâu mà không có kết-quả gì chưa ? Mình trở nên bị ớn về mặt tâm-lý; và chán không còn muốn cố-gắng nữa. Và thầy sẽ bỏ cuộc. Rồi, một hôm em thức dậy và thay vì kêu-cầu một vài lời khiếu-nại vô-ích qua bức tường cao để cầu đến một vị Chúa mà có thể có mặt hay không có mặt, em chỉ bỏ cuộc một cách đơn-giản. Em đã quyết-định là thực ra em không quan-tâm đến Chúa, hay đến một đời sống sau khi chết, hay bất-kỳ những gì giống như vậy. Em đã quyết-định là em sẽ dùng những thì-giờ còn lại của em để làm những điều gì có ích. Em nghĩ về thầy và lớp học của thầy, và em nhớ một điều nữa thầy có nói: “ Sự đau-buồn căn-bản là khi sống hết một đời sống mà không yêu-thương một ai. Nhưng cũng có một điều đau-buồn không kém là khi sống qua hết một đời và từ-giã cõi đời này mà chưa từng bao giờ nói với những người mình yêu-thương là mình đã yêu-thương họ. “ Bởi vậy em mới bắt đầu với điều khó làm nhất, đó là đốI với ba của em. Khi em đến gặp ba em thì ông đang đọc báo.
“Thưa ba.”
“Ờ, gì đó?” Ba em hỏi em mà không hề hạ tờ báo xuống.
“Ba, con muốn nói chuyện với ba.”
“Rồi, nói đi.”
“Con muốn nói là điều này quan-trọng lắm.”
Tờ báo từ-từ hạ xuống độ ba phân Anh. “Gì đó?”
“Ba, con thương ba. Con chỉ muốn cho ba biết điều ấy.”
(Tom cười với tôi và nói với một sự thỏa-mãn rõ-rệt, như thể em cảm thấy một sự hân-hoan ấm-áp và bí-mật đang tuôn chảy bên trong .)
“Tờ báo run-rẩy rơi xuống sàn nhà. Rồi ba của em làm hai điều mà em nhớ là ông chưa từng bao giờ làm trước đây. Ông khóc và ôm lấy em. Hai cha con nói chuyện với nhau suốt đêm, mặc dù cha em phải đi làm vào buổi sáng ngày hôm sau. Em cảm thấy rất sung-sướng được gần-gũi với ba em, được thấy những giọt nước mắt của ông, cảm-nhận được vòng tay ôm-ấp của ông, và được nghe ông nói những lời yêu-thương em. Đối với mẹ và em của em thì sự việc dễ-dàng hơn. Họ cùng khóc với em, và mọi người ôm lấy nhau, bắt đầu nói cho nhau nghe những điều thật tốt-đẹp. Chúng em chia-xẻ với nhau những điều chúng em đã giữ kín quá nhiều năm.
Em chỉ lấy làm tiếc có một điều – là em đã đợi quá lâu để làm điều ấy. Lúc ấy em chỉ mới bắt đầu mở tấm lòng ra cho tất-cả những người mà em đã từng gần-gũi họ trước đó. RồI cho đến một hôm, khi em quay lại thì thấy Đức Chúa Trời đã đứng sẵn ở đó ! Khi em nài-nỉ với Ngài thì Chúa đã không đến với em. Em đoán là em đã làm giống như một người dạy thú đang giơ cái vòng lửa cho thú nhảy qua; và thúc-dục “Lẹ đi, nhảy qua đi mà. Lẹ đi, tôi cho Người ba ngày, ba tuần nghe.”
Rõ-ràng là Đức Chúa Trời làm việc theo cách riêng của Ngài và theo thì-giờ riêng của Ngài. Nhưng điều quan-trọng là Ngài lúc nào cũng có mặt. Chúa đã tìm thấy em . Thầy nói đúng. Chúa tìm em ngay cả khi em đã không còn đi tìm kiếm Ngài nữa.”
“Tommy này,” tôi thực-sư nghẹn-ngào, “tôi nghĩ rằng em đang nói một điều thật là quan-trọng và lớn-lao hơn là em nghĩ. Ít ra là đối với tôi, điều em đang nói là cách chắc-chắn nhất để tìm thấy Chúa là đừng biến Ngài thành vật sở-hữu riêng của mình, hay là chỉ một người giải-quyết vấn-đề, hay chỉ là một nguồn an-ủi cấp-tốc mỗi khi mình cần đến, nhưng là mở lòng ra để yêu-thương người khác. Em biết không, sứ-đồ Giăng đã nói đến điều này rồi. Ông nói rằng: Đức Chúa Trời là tình-yêu, và hễ ai sống yêu-thương thì đang sống với Đức Chúa Trời và Ngài sống trong người ấy.
Em Tom này, em có thể làm điều này cho tôi được không? Em biết không, khi em ở trong lớp của tôi thì em quả là một cục nợ. Nhưng (tôi cười) bây giờ em có thể đền-bù lại tất-cả cho tôi được rồi đó. Em có vui lòng đến lớp học Thần-học Đức-tin bây giờ của tôi và nói cho họ nghe những điều em vừa mới nói cho tôi nghe không? Nếu tôi nói cho họ nghe thì sẽ không có hiệu-quả bằng một nửa so với việc chính em nói.”
“Ô.. em sẵn-sàng nói chuyện với thầy, nhưng không chắc là em đã sẵn-sàng để nói chuyện với lớp học của thầy không.”
“Em Tom này, em suy-nghĩ về chuyện đó nghe. Nếu khi nào em sẵn-sàng thì em gọi cho tôi.”
Một vài ngày sau, Tom gọi cho tôi, nói rằng em sẵn-sàng nói chuyện với lớp học, và em muốn làm điều ấy cho Chúa và cho tôi. Chúng tôi hẹn ngày, nhưng Tom không bao giờ đến được ngày hẹn ấy.
Em có một cuộc hẹn khác, một cuộc hẹn quan-trọng hơn nhiều so với cuộc hẹn em đã hứa với tôi và lớp học của tôi. Dĩ-nhiên là đời-sống của em không phải vì cái chết của em mà chấm-dứt, nhưng chỉ biến-đổi mà thôi. Em đã bước một bước dài từ đức-tin vào trong khải-tượng. Em đã tìm thấy một cuộc sống tươi-đẹp hơn bất-cứ một đời sống nào mà mắt trần tai thịt của con người đã từng thấy và nghe qua, đẹp hơn hẳn những gì trí-óc con người có thể tưởng-tượng nổi. Trước khi em chết, em có nói chuyện với tôi một lần cuối. “Em không thể đến nổi lớp của thầy,” em nói vậy. Tôi nói “Vâng , tôi biết.” “Thầy có thể kể cho họ nghe dùm em không ? Thầy có thể nói cho …toàn-thể thế-giới dùm em không ?” “Tôi sẽ nói, em Tom ạ. Tôi sẽ nói cho họ biết. Tôi sẽ gắng hết sức.”
Thế nên, với tất-cả những ai đã có lòng tốt lắng nghe lời nói tình-yêu đơn-sơ này, tôi xin có lời cám-ơn quý-vị.
Và em Tommy ơi, ở một nơi nào đó trong cánh đồng xanh tươi rực-rỡ nắng ấm của thiên-đàng, xin em cho tôi nói rằng tôi đã kể cho họ nghe rồI, bằng hết sức mà tôi có thể làm được, Tommy ạ.


© 1999-2017 Tinlanh.Ru