Anh chị em thân mến,
Muốn đạt được thành công vững chắc trong đời sống mình, người tin Chúa phải giữ lòng khao khát đến gần Chúa mà được phước của Ngài. Ai hiểu được điều đó là xây nhà bằng những vật liệu quí giá và vững chắc như vàng bạc đá quí, chứ không phải bằng cây bằng cỏ.
Vậy thì ai có thể đến được gần Đức Chúa Trời và được ơn phước của Ngài? Và sống với thái độ như thế nào thì sẽ được lòng Chúa, và được phước? Vì thiết nghĩ sự công bình sẽ đòi hỏi là kẻ có lỗi sẽ không đến gần được với Đức Chúa Trời, và Ngài sẽ chỉ tiếp nhận lắng nghe những ai xứng đáng.
Chúng ta tìm thấy trong Thi thiên 24 câu hỏi và cả câu trả lời:
3 Ai sẽ được lên núi Ðức Giê-hô-va? Ai sẽ được đứng nổi trong nơi thánh của Ngài?
4 Ấy là người có tay trong sạch và lòng thanh khiết, Chẳng hướng linh hồn mình về sự hư không, Cũng chẳng thề nguyện giả dối.
5 Người ấy sẽ được phước từ nơi Ðức Giê-hô-va, Và sự công bình từ nơi Ðức Chúa Trời về sự cứu rỗi người.
6 Ấy là dòng dõi của những người tìm kiếm Ðức Giê-hô-va, Tức là những người tìm kiếm mặt Ðức Chúa Trời của Gia-cốp.
Câu hỏi ngầm định rằng để đến gần Chúa và gặp Chúa không phải là việc dễ. Nó đòi hỏi từ chúng ta một quyết tâm cố gắng như người leo núi. Nhưng vì phần thưởng là phước Chúa, sự giải cứu của quyền năng Ngài càng ngày càng thêm lên khi chúng ta càng gần Ngài hơn, cho nên chúng ta sẽ không ngừng tiến lên.
Câu trả lời cho chúng ta thấy, người muốn đến được gần Đức Chúa Trời và được phước phải có
1. Tay trong sạch - ý nói các việc ta làm, đừng nhúng tay vào các việc ác.
2. và lòng thanh khiết - ý nói về động cơ, thái độ trong lòng chúng ta phải giữ sự đơn sơ thanh sạch, chân thành, không dính dấp điều ác
3. chẳng hướng linh hồn mình về sự hư không – sự hư không là những sự nhỏ nhen, tầm thường, trần tục, chỉ nhằm thỏa mãn dục vọng xác thịt đời này. Mà cũng đúng thôi, leo núi tìm kiếm Chúa Trời đâu phải để tìm những giá trị đời tạm đó.
4. Chẳng thề nguyện giả dối – ở đây ý nói là thề nguyền hứa hẹn mà không giữ lời, thậm chí mượn những điều thiêng liêng cao cả mà thề, rồi lại bội ước.
Câu 5 cho chúng ta lời hứa về phước hạnh và sự cứu rỗi.
Nếu xét một cách nghiêm túc, quả thật là trong những điều kiện của 4 câu đầu, không phải mỗi người trong chúng ta đều đáp ứng đủ. Nhưng đừng để sự e ngại đó cản trở cách nghĩ chúng ta. Trong Kinh thánh, Ngai của Chúa Jê-sus được gọi là ngôi ơn phước (ngai ân điển – Hê-bơ-rơ 4:16) – cho chúng ta hiểu Chúa là Đấng luôn muốn ban phước và làm ơn, và chúng ta có thể vững lòng mà đến và nhận ơn của Chúa cho mình lúc cần.
Vì khi đến gần Chúa, chúng ta sẽ thay đổi cho dù ban đầu còn có nhiều thói hư tật xấu thế nào đi chăng nữa. Khi chúng ta mong muốn vươn lên tới phước Chúa, và trong sự cố gắng tìm kiếm Ngài, chúng ta vẫn được Chúa tiếp nhận và ban phước cho, và Ngài cũng sẽ biến đổi dần chúng ta nữa. Vì câu 6 nói một ý quan trọng – một sự đánh giá chung về những con người đến được với Chúa và cuối cùng lên được trên núi thánh của Ngài: “Ấy là dòng dõi của những người tìm kiếm Ðức Giê-hô-va, Tức là những người tìm kiếm mặt Ðức Chúa Trời của Gia-cốp”.
Vậy thì lòng khao khát phước Chúa, tìm kiếm đến gần Ngài là điểm nhấn mạnh, là đòi hỏi tổng kết vô cùng quan trọng. Chúng ta sẽ hiểu hơn về vấn đề này khi hiểu ý Lời Chúa nói – “tìm kiếm mặt Đức Chúa Trời của Gia-cốp”.
Khi Đức Chúa Trời hiện ra với Môi-se để sai ông quay về giải cứu dân tộc mình khỏi ách nô lệ ở Ai-cập, Ngài nói với Môi-se rằng Ngài là Đức Chúa Trời của tổ phụ dân Y-sơ-ra-ên, xưng rằng Ngài là Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Đức Chúa Trời của Y-sác, và Đức Chúa Trời của Gia-cốp (Xuất 3:6). Sau này cách xưng đó còn được xử dụng nhiều lần trong Kinh thánh. Chúa gắn liền tên Ngài với tên những con người đó là có chủ ý.
Hai cái tên đầu đều đến từ ý tưởng của Đức Chúa Trời. Áp-ra-ham đã được đổi từ tên cũ mình thành “cha của nhiều dân tộc”, và Y-sác (“cười”) cũng phản ánh niềm vui hai vợ chồng già trăm tuổi sanh được đứa con theo Lời Chúa hứa. Đức Chúa Trời chúng ta có thói quen đặt tên cho hợp với con người, với tương lai và sự kêu gọi của họ. Chúng ta cũng thấy Chúa Jê-sus làm điều tương tự khi Ngài đến, đặt tên mới cho một số môn đồ của mình.
Nhưng vấn đề hơi lạ, là mặc dù sau này Gia-cốp đã có một cái tên mới Chúa ban phù hợp hơn là Y-sơ-ra-ên – trong Kinh thánh chúng ta vẫn thấy rất nhiều lần Đức Chúa Trời xưng Ngài là Đức Chúa Trời của Gia-cốp, như trong trường hợp của đoạn Thi thiên nói trên.
Gia-cốp là ai, tại sao Đức Chúa Trời lại gắn liền Tên Ngài với tên con người đó?
Gia-cốp – đứa con trai ra sau trong hai đứa sinh đôi của Y-sác và Rê-bec-ca. Câu chuyện bắt đầu từ chương 25 của sách STK. Y-sác cầu nguyện cho vợ mình đang bị son-sẻ, và nàng có thai, nhưng ngay từ khi hai đứa còn trong bụng mẹ, đã thường xuyên tranh đụng nhau trong bụng mẹ (STK 25:22). Rê-bec-ca cầu hỏi Chúa, thì được Ngài tỏ cho biết rằng từ hai đứa đó sẽ sanh ra hai dân, và đứa lớn sẽ phải phục đứa nhỏ (25:23).
Khi sinh nở, đứa đầu tiên ra, là anh, người đỏ hồng và đầy lông, được đặt tên là Ê-sau – nghĩa là ‘nhiều lông”, đứa em ra sau tay nắm chặt gót chân anh, được đặt tên là Gia-cốp, nghĩa là “kẻ nắm gót”. Trong Kinh thánh bản tiếng Việt truyền thống có chú thích rõ rằng trong quan niệm thời bấy giờ tên Gia-cốp không phải là tên đẹp có ý tôn trọng, mà có nghĩa là kẻ chiếm vị, kẻ mưu mô, kẻ hất cẳng người.
Và tên thế nào thì người ra như vậy, Gia-cốp lớn lên có vẻ ngoài rất hiền lành, suốt ngày ở lại trại gần gũi và giúp việc mẹ, trong khi anh mình suốt ngày rong ruổi săn bắn. Nhưng, từ khi mới đẻ vẫn rắp tâm lật đổ anh mình, để chiếm quyền trưởng nam. Lợi dụng cơ hội lúc anh mình đói mệt, chỉ bằng một bát canh đậu đỏ, Gia-cốp đã đòi được anh bán quyền trưởng nam cho mình (STK 25:30).
Ở đây chúng ta cũng nên dừng lại một chút để nói về Ê-sau – anh ta là một người khinh thường địa vị của một người trưởng nam trong dòng dõi của Chúa. Kết quả là sau này anh ta đã đánh mất nó vĩnh viễn. Từ Ê-sau đẻ ra một dân khác, gọi là dân Ê-đôm, không hề được dự phần nào trong chương trình cứu chuộc của Đức Chúa Trời, thậm chí họ còn thường xuyên liên kết với các kẻ thù của dân tộc Y-sơ-ra-ên mỗi khi có chiến tranh chống lại dân tộc này.
Đời Ê-sau chỉ cho chúng ta một bài học: Người khinh bỏ phước Chúa sẽ bị chính Chúa khinh bỏ. Dù ban đầu anh ta được sanh ra trong dòng dõi đức tin, nhưng bởi sự bất kính và thờ ơ của mình, phần của anh ta đã được dành cho người khác.
Gia-cốp thì có một điểm khác đặc biệt với người anh mình. Ông ta rất thích được phước Chúa, và có thể thấy là lòng ông ta hướng về những phước vô hình nhiều đến nỗi dám làm cả những điều mưu mô và liều lĩnh. Cách ông ta làm lộ ra ông là kẻ hất cẳng, xảo quyệt. Nhưng giữa hai người con – Đức Chúa Trời đành chọn một đứa mà sau này còn sửa được. Đó cũng là điều Ngài đã biết trước và báo trước cho Rê-be-ca.
Và Rê-be-ca đã tìm cách giúp cậu con cưng của mình, theo cách mưu mô của loài người mưu mô. Khi Y-sác bị lòa mắt, ốm mệt tưởng gần chết (thực tế việc lòa này cũng đến một cách kỳ lạ, và người ta cho rằng đó là điều Chúa cho xảy đến, vì chúng ta đều biết rằng sau đó Y-sác còn sống tiếp rất lâu), thì ông gọi con trưởng Ê-sau để sai nó đi săn cho mình một bữa thịt thú rừng trước khi ông ban lời chúc phước ban đặc quyền thừa hưởng phước lành.
Rê-be-ca đã bày mưu cho Gia-cốp đóng giả làm Ê-sau mà nhận lời chúc phước đó. Mưu mô của hai mẹ con thành công, và Y-sác đã dành lời chúc phước vốn dành cho người con trưởng cho đứa con thứ của mình. Lập mưu lừa gạt để được phước, có đáng là anh hùng đức tin để chúng ta noi theo không? Chắc chắn là không. Nhưng điều chúng ta cần để ý mà học – là lòng khao khát tìm được phước của Đức Chúa Trời, vì nếu người nào có điều đó thì cuối cùng sẽ gặp được Đấng ban phước, và sẽ được Ngài biến đổi.
Và một điều nữa, là ngày hôm nay, câu chuyện người thời xưa biết trân trọng phước Chúa như thế nào, sẽ giúp chúng ta được tỉnh thức sống làm sao để được phước.
Sau khi chuyện đã xảy ra, Y-sác không thể rút lại lời phước đã ban cho Gia-cốp, Ê-sau căm giận tìm cách giết em mình. Gia-cốp bèn tìm cách chạy trốn để giữ mạng sống. Cớ tốt nhất là đi về quê ngoại để tìm vợ. Trên đường đi, một chuyện nữa xảy ra để lộ rõ con người Gia-cốp lúc đó. Anh ta nằm ngủ, và trong chiêm bao thấy Đức Chúa Trời hiện đến và nhắc lại lời hứa ban phước cho anh ta (STK 28:13-15).
Sáng dậy, Gia-cốp làm đền thờ và hứa nguyện với Đức Chúa Trời, những lời như sau (STK 28:20-21):
“Gia-cốp bèn khấn vái rằng: Nếu Ðức Chúa Trời ở cùng tôi, gìn giữ tôi trong lúc đi đường, cho bánh ăn, áo mặc, và nếu tôi trở về bình an đến nhà cha tôi, thì Ðức Giê-hô-va sẽ là Ðức Chúa Trời tôi.”
– lời khấn nguyện này không khác gì một sự mặc cả, cho chúng ta thấy đến lúc này Gia-cốp vẫn là kẻ tìm phước chứ không tìm Đấng ban phước. Anh ta chỉ quan tâm đến Đức Chúa Trời vì biết rằng phước chỉ đến từ Ngài.
Gia-cốp đến ở nhà cậu mình là La-ban, và mong được cưới người con gái út mà anh đã gặp và yêu, nhưng người cậu của anh ta đã cho ăn ta được gặt lại đủ những gì mình đã gieo, kẻ mưu mô lại gặp tay cao thủ. Phải mất 14 năm làm việc không công cho cậu, rồi Gia-cốp mới cưới được nàng. Sau đó, muốn quay về có chút vốn trong tay cho gia đình đông đảo của mình, ông ta phải mất bảy năm sau nữa làm việc cho người cậu này, nhưng với người chủ mưu mô như vậy, đã chắc gì Gia-cốp sẽ được hưởng công xứng đáng.
Lúc này, Chúa đã cho Gia-cốp thấy sự thành tín của Ngài, Ngài đã dùng phép lạ can thiệp và giúp cho Gia-cốp. Thiên sứ hiện ra trong chiêm bao, mách cho Gia-cốp về việc xin cậu cho những con chiên nào sinh ra có sọc và đốm sẽ là của mình. La-ban vui mừng đồng ý, và các lứa chiên đẻ sau đó đã làm cho Gia-cốp được một đàn gia súc đông đảo, như lấy lại được từ người cậu công sức 21 năm vất vả của mình. Nhưng cũng chính vì thế mà La-ban và người nhà càng ngày càng ghét Gia-cốp, và Chúa đã mách bảo Gia-cốp đến lúc ông phải bỏ nơi này mà quay về nhà cha.
Khi cả đại gia đình lên đường trở về, La-ban biết tin đuổi theo. Với sự bênh vực của Chúa, La-ban đã phải để Gia-cốp đi, nhưng phải thề không bao giờ được quyền quay trở lại.
Trên đường về quê, Gia-cốp bất ngờ nhận được một tin dữ, là Ê-sau đã biết được tin và đang đem 400 người đến đón, rõ ràng với thái độ muốn đón đánh ông ta để trả thù cũ. Bản năng mưu mô chiến đấu sống còn trong con người Gia-cốp lại trỗi dậy, ông lập mưu chia đoàn gia súc và người của mình thành hai tốp, với hy vọng có mất tốp này thì còn tốp kia, và dặn các đầy tớ mình dẫn gia súc chia nhau đi trước, nếu gặp Ê-sau thì nói đó chính là quà biếu tặng anh, nếu Ê-sau chưa nguôi giận với món quà này, thì bầy gia súc sau sẽ là món quà “lót tay” thêm nữa. “Vì người thầm nghĩ rằng: Mình đem lễ nầy dâng trước cho Ê-sau nguôi giận đã, rồi mình sẽ giáp mặt sau; có lẽ người tiếp rước mình một cách thuận hiệp đó” (STK 32:20).
Đêm đó Gia-cốp ở lại bờ suối cạn, chỉ còn một mình, sau khi đã cho cho các bầy gia súc mình đi trước, thậm chí ông còn sai cả vợ con mình qua suối đi trước để thế mạng, còn mình thì ở lại run sợ trong cô đơn, nghe ngóng tình hình. Con người mưu mô này tưởng đã không còn đường thoát, không còn đất để lui, và trước mặt là người anh hung dữ giỏi xử dụng vũ khí với đạo quân tinh nhuệ. Nhưng đó cũng là lúc Đức Chúa Trời đến với Gia-cốp (STK 32:24-28).
24 Vả, một mình Gia-cốp ở lại; thì có một người vật lộn với mình đến rạng đông. 25 Khi người đó thấy mình không thắng nổi, bèn đánh vào xương hông Gia-cốp; xương hông liền trặc trong khi vật lộn. 26 Người đó bèn nói: Trời đã rạng đông rồi; thôi để cho ta đi; nhưng Gia-cốp đáp rằng: Tôi chẳng cho người đi đâu, nếu người không ban phước cho tôi.
27 Người đó hỏi: Tên ngươi là chi? Ðáp rằng: Tên tôi là Gia-cốp. 28 Người lại nói: Tên ngươi sẽ chẳng làm Gia-cốp nữa, nhưng tên là Y-sơ-ra-ên, vì ngươi đã có vật lộn cùng Ðức Chúa Trời và người ta; ngươi đều được thắng.
Gia-cốp hiểu Người đến vật lộn cùng mình là Đức Chúa Trời. Ông cũng như bao nhiêu người trong số chúng ta, vẫn luôn vật lộn cùng Chúa vì muốn đi theo ý riêng mình, sống dựa theo mưu mô và bản năng xảo quyệt cũ của mình. Điều mà Chúa đã phải làm lúc đó (thực sự là ban cho ông một ơn), tức là hạ ông ta xuống bằng cách đánh cho ông ta thành tàn phế. Nhiều khi sự kiêu ngạo và ỷ vào mưu mô sức lực của mình đã đẻ ra cho chúng ta mọi nan đề trong cuộc sống, nhưng chừng nào chúng ta vẫn còn bám lấy nó thì chúng ta vẫn còn chưa biết trông cậy vào Đức Chúa Trời.
Nhưng khi đã đi giẹo cẳng, không còn cơ hội gì nữa để chống chọi, Gia-cốp mới biết thật sự trông cậy vào Đức Chúa Trời. Điều mà ông ta vẫn cố bám lấy Chúa và nài xin – là được lời chúc phước. Đấy lại là điểm nhấn mà chúng ta học được qua cuộc đời đầy vất vả nhọc nhằn của con người này. Để chúng ta sớm được vào quỹ đạo của bình an và trông cậy Chúa, hãy học bài học này trước khi Chúa phải hạ bạn xuống để bạn học được cách trông cậy Ngài.
Nhưng sau khi lòng Gia-cốp thay đổi, thì hoàn cảnh cũng được Đức Chúa Trời thay đổi theo. Ngài cảm động lòng Ê-sau, khiến bỗng nhiên hận thù tan biến và ông ta đến gặp Gia-cốp thì ôm choàng lấy mà hôn và khóc lóc. Gia-cốp cuối cùng đã trở về được nhà mình bình an, với cả gia đình và phần tài sản Chúa đã ban cho mình.
Sau khi chúng ta đã tìm hiểu về chuyện đời của Gia-cốp, chúng ta thấy Đức Chúa Trời của chúng ta thật giàu ơn thương xót đến mức nào. Khi tôi đọc trong Kinh thánh, những lời Ngài nói – “Ta là Đức Chúa Trời của Gia-cốp” thật cảm động lòng tôi, vì biết rằng đó Ngài nói “Ta cũng là Đức Chúa Trời của những kẻ mưu mô, ích kỷ”. Đó không phải vì Ngài tán đồng cách sống đó, mà vì lòng Ngài cũng có chỗ cho cả những con người còn yếu đuối sai lầm. Miễn là chúng ta có một lòng khao khát phước Chúa, ơn Chúa, sự kêu gọi của mình được là con Đức Chúa Trời, và hết lòng tìm kiếm Ngài, thì Ngài sẽ tiếp nhận và sửa đổi chúng ta.
Nhận thức này giúp cho tôi tự tin mà đến gần Chúa, và cũng giúp cho tôi không lên mặt xét đoán bất kỳ người nào khác. Chúng ta chỉ nên tập trung động viên con người tiếp tục tìm kiếm phước Chúa, tiếp tục đến gần Ngài. Có những người được một chút thành công, thì quay lưng lại với Hội thánh. Nhưng có chắc là họ đã bỏ hẳn Chúa chưa, hay là đến một đêm bên bờ suối, trước bước ngoặt của cuộc đời, con người đó lại không ăn năn và cầu xin phước Chúa, một lần nữa và cho mãi mãi sau này. Con người đó sẽ được đổi tên, từ một kẻ mưu mô, trở thành một hoàng tử của Đức Chúa Trời?
Và bạn ơi, nếu bạn đang đọc những lời này, và biết đó là dành cho chính mình, xin hãy cầu nguyện để loại bỏ khỏi mình những điều đáng xấu hổ, những sự tự cao, ỷ lại vào mưu mô và sức lực bản thân, để mà thay đổi thành con người sống nhu mì, đơn sơ, ngay thẳng, và luôn biết hạ mình trông cậy Chúa. Vì chúng ta ai cũng là một Gia-cốp cả.
Nhưng nếu Chúa đã xưng Ngài là Đức Chúa Trời của Gia-cốp, thì chúng ta có thể dạn dĩ đến gần ngôi ân điển, để nhận ơn của Ngài. Và chính khi càng cố gắng lên núi, tìm gặp Đức Chúa Trời, thì chúng ta sẽ sớm được biến đổi và được phước, để trở thành Y-sơ-ra-ên, nghĩa là người có Đức Chúa Trời tể trị trong đời sống mình.
Ms Quốc Hùng - Hội thánh Tin lành Mát-xcơ-va