Tiếng gõ cửa

Chúng ta học tiếp về giá trị con người. Vì từ trước đến giờ con người và sự cứu rỗi vẫn là trung tâm của chương trình của Chúa. Như lần trước chúng ta đã thảo luận, bây giờ lại nhấn mạnh thêm rằng nếu ai không nhận biết rõ về giá trị của mỗi một con người trước mắt Chúa, người đó sẽ dễ bị ma quỉ lừa dối.
Các thầy dạy luật, các thầy tế lễ của dân Do-thái thời đó đã không thể nhận ra Chúa Jê-sus là Đấng Cứu thế, thậm chí đã tức tối lập mưu giết Ngài, vì lý do chính là Ngài xưng mình là Con Đức Chúa Trời, và họ cho rằng đó là tội phạm thượng.
Giăng 10:33 Người Giu-đa trả lời rằng: Ấy chẳng phải vì một việc lành mà chúng ta ném đá ngươi, nhưng vì lời lộng ngôn: ngươi là người, mà tự xưng là Ðức Chúa Trời.
Họ quên mất rằng con người ban đầu đã mang hình tượng Đức Chúa Trời, và có trong mình thần linh của Ngài. Cho nên họ không nhìn thấy được trong một thân thể con người bình thường như mọi người lại chính là thần linh thánh đức của Con Đức Chúa Trời.
Lý do lớn thứ hai nữa, là họ kết tội Chúa Jê-sus phạm luật của Đức Chúa Trời, đặc biệt là luật ngày Sa-bát. Vì họ nhiều lần chứng kiến Ngài cứu chữa cho con người được khỏi bệnh đúng vào ngày Sa-bát. Họ quên mất rằng mọi luật lệ của Đức Chúa Trời được lập ra để phục vụ con người, chứ không phải con người được tạo ra để phục vụ những luật lệ.
Mác 2
27 Ðoạn, Ngài lại phán: Vì loài người mà lập ngày Sa-bát, chớ chẳng phải vì ngày Sa-bát mà dựng nên loài người. 28 Vậy thì Con người cũng làm chủ ngày Sa-bát.

Cho nên, nếu không nhận thức ra điều này, thì ngày hôm nay chúng ta vẫn có thể đi lệch. Các bài giảng có thể chỉ truyền đạt kiến thức, nhưng không chứa quyền phép để giúp con người biến đổi. Vẫn có thể quan tâm đến con người nói chung, nhưng không sâu sát đến đời sống của họ. Các lễ hội đức tin, các buổi nhóm thờ phượng, các chuyến công du truyền giảng, mà không nhằm mục đích đạt đến những con người, đem quyền năng kỳ diệu của Tin lành Đức Chúa Trời mà giúp họ giải phóng và thay đổi đời sống mình, thì không hơn gì nhiều những hoạt động tôn giáo.
Hãy cùng nhau nhắc lại việc con người ban đầu được Chúa nắn nên từ đất. Nhưng sau khi được Ngài hà hơi sự sống vào, tức là truyền Thần Chúa vào trong hình hài bằng đất, thì con người trở nên một loài sanh linh, tức là một linh hồn sống.
Con người có ba phần – thể xác, tâm hồn, và tâm linh. Cái thể xác này chúng ta biết chăm chút, nuôi dưỡng hàng ngày, luyện tập cho nó khỏe mạnh, và chữa chạy mỗi khi ốm đau, tu sửa những chỗ nào chưa đẹp cho được đẹp hơn. Tóm lại là chúng ta hết sức quí và trân trọng nó, nhưng chúng ta đều biết rằng một ngày nào đó, nó sẽ trở về với đất.
Còn linh hồn chúng ta thì sao, hãy thực lòng mà thừa nhận rằng, ngay từ khi ta còn bé mặc dù không có ai dạy cho biết, đã có ước mơ ngược đời là được không bao giờ phải chết. Ngày hôm nay có nhiều nhà giàu đã tốn nhiều tiền của để ướp lạnh cái xác của mình, mong giữ nó được đến khi nào khoa học tìm ra cách cải tử hoàn sinh cho thân xác họ. Thật là những người giàu mà mất khôn, vì phần hồn của họ thì không có cách gì mà ướp lạnh, bảo quản giữ nguyên cho đến lúc đó.
Như vậy thì nhất định điều mà quí hơn thể xác phải là linh hồn ở bên trong mỗi một thân thể.
Và cũng chính vì cứu rỗi linh hồn chúng ta mà Chúa Jê-sus đã đến, chịu thay hình phạt trên thập tự giá để ban cho chúng ta được sự sống đời đời.
Tâm hồn và tâm linh – linh hồn, là cái quý giá quyết định cái tôi của mỗi một con người, và khi chúng ta được cứu là linh hồn sẽ được cứu rỗi. Sau khi chết linh hồn nào đã tiếp nhận sự cứu rỗi của Chúa Jê-sus sẽ được lên thiên đàng.
Nhưng, trong linh hồn chúng ta, cái gì là quí giá hơn cả? Mỗi người là một cá nhân, và mỗi cá nhân thì có quyền tự do lựa chọn (quyết định) của họ. Quyền tự quyết của một con người, đó là cái mà Đức Chúa Trời từ khi nắn nên loài người đã ban cho họ và Ngài sẽ không bao giờ muốn xâm phạm. Ngài để cho họ, con cái của Ngài
Tự do - hai tiếng ngọt ngào - có phải tự do là quí giá nhất đối với con người không?
Tự do hay là chết! Có những người hô khẩu hiệu như vậy, và hàng triệu người hưởng ứng, sẵn sàng chết theo, vì đối với nhiều người, tự do đồng nghĩa với quyền tự quyết của bản thân, là điều họ thấy là giá trị nhất.

Trong Kinh thánh có một hình ảnh thường được cơ-đốc nhân xử dụng khi truyền giảng – là hình ảnh Chúa Jê-sus đứng gõ cửa, kêu gọi những ai nghe tiếng Ngài mà đón nhận Chúa vào đời sống mình.

jesus_knocking_s

 

Khải huyền 3:20 Nầy, ta đứng ngoài cửa mà gõ; nếu ai nghe tiếng ta mà mở cửa cho, thì ta sẽ vào cùng người ấy, ăn bữa tối với người, và người với ta.

Câu này có thể dùng động viên những người đang cần làm quyết định, để họ ăn năn tin nhận Chúa mà được sự sống đời đời. Nhưng đoạn Kinh thánh trên trước tiên là viết cho Hội thánh, để kêu gọi chính những người tin Chúa hãy mở mắt ra mà thấy hiện trạng của mình. Nếu bạn đọc cả đoạn Kinh thánh có câu nói trên sẽ thấy đó không phải là một đoạn nhẹ nhàng chút nào, vì đó là những lời Chúa trách những người tưởng mình đã có mọi sự mà thực ra là chẳng có gì hết.
Có một nghịch cảnh, đó là có nhiều người đã thật sự tin Chúa, thậm chí có nhiều Hội thánh, đã có Chúa trong đời mình, mà vẫn để Chúa ở ngoài, ít ra là trong những vực này khác của cuộc sống họ, thậm chí cả những lĩnh vực quan trọng nữa.
Hình ảnh Chúa tể của vũ trụ, Đấng nắm trong tay quyền phép tối thượng, cũng là Đấng toàn năng có thể làm được mọi sự, mà Ngài lại đứng trước cửa nhà một con người mà gõ, nói lên điều gì với chúng ta?
Đìều đó nói rằng Đức Chúa Trời vô cùng tôn trọng cá nhân mỗi con người. Trong đời sống bạn, Chúa chỉ kiểm soát được những lĩnh vực nào mà bạn cho phép Ngài mà thôi! Đúng vậy, Chúa tể vũ trụ - Đức Chúa Trời toàn năng dù có thể làm được mọi sự nếu Ngài muốn, lại không muốn đi quá giới hạn mà chính Ngài đã lập ra. Điều Ngài đã phán thì Ngài sẽ làm, và Lời Ngài chính là giới hạn.
Từ khi sáng tạo nên loài người, Chúa đã ban cho họ lãnh thổ của đời riêng mình, và Ngài tuyệt đối tôn trọng mọi quyết định của mỗi con người. Thậm chí họ có quyền chọn sự sống, và cũng có quyền chọn cái chết. Giữa vườn Ê-đen, đã có cây sự sống, và cây biết điều thiện và điều ác. Là biểu tượng cho lãnh thổ phước hạnh nếu con người biết tuân phục và giữ mình đừng đi quá giới hạn, hoặc là cánh cửa mở ra cho cái ác được đi vào đời sống họ.
Tiếc thay cho tổ phụ loài người, họ đã chọn thái độ nổi loạn, để con cái loài người từ đó đến nay ai cũng phải nếm trải sự chết.
Nhưng, thật cảm ơn Đức Chúa Trời, bây giờ sau khi Chúa Jê-sus đã đến dâng mình làm của lễ chuộc tội cho nhân loại, thì quyền tự do định đoạn số phận mình lại được ban lại cho con người. Họ lại được quyền chọn sự sống. Không có ai bị ép lên thiên đàng cả, mà lên đó chỉ có những người tình nguyện.
Chỉ có cái khác là trước kia nếu con người không làm gì cả, thì ở mãi trong sự sống đời đời, còn bây giờ, nếu con người không làm gì cả, sẽ đến lúc chết đi mà xuống địa ngục và hồ lửa đời đời.
Trước kia A-đam và Ê-va đã mở cửa cho cái ác vào, thì bây giờ chúng ta phải mở cửa mời Chúa Jê-sus vào. Nhưng, mời Chúa vào trong đời sống mình một lần, cầu nguyện tin nhận Chúa một lần, liệu đã đủ chưa?
Vì câu Kinh thánh nói trên là dành cho những người thuộc Hội thánh, đã tin Chúa, vậy mà Chúa Jê-sus vẫn phải còn gõ cửa lòng họ tiếp tục, thì điều đó còn nói gì nữa với chúng ta?
Điều đó nói lên rằng trong nhiều lĩnh vực khác của đời sống mình, cơ-đốc nhân chúng ta còn chưa mời Chúa vào, chưa để Chúa làm chủ thực sự, chưa để Ngài giúp đỡ, lãnh đạo và hướng dẫn chúng ta thực sự.
Nhiều người mới đón Chúa vào ngoài phòng khách, chứ chưa mời Ngài vào các gian phòng khác của mình. Nhiều người không biết mời Ngài vào phòng làm việc của mình. Chúng ta đóng cửa lại, chỉ muốn một mình tự quyết trong công việc (thường là dại dột), và thường là trong những lĩnh vực đó chúng ta quẩn quanh với thất bại. Có thể thành công trong lĩnh vực này, mà thất bại trong lĩnh vực khác.
Hình ảnh Chúa gõ cửa, còn nói với chúng ta rằng Chúa muốn vào.
Chúa muốn vào ăn tối với ta. Để trở thành một người thật thân mật, gần gũi, và được chúng ta tin cậy hơn nữa trong đời sống hàng ngày. Ngài vào để giúp công việc, để giúp việc hạnh phúc gia đình, giúp đỡ về sức khỏe, và biết bao nhiêu việc khác nữa. Đời sống ta có bao nhiêu lĩnh vực, là bấy nhiêu căn phòng cần phải được mở ra để đón Chúa vào làm Chúa làm chủ.
Bạn có đang nghe tiếng Chúa gõ cửa hay không?
Còn những cánh cửa nào bạn vẫn đang đóng kín trước Chúa? Cửa phòng làm việc? Cửa phòng giải trí? Cửa phòng ăn? Cửa phòng ngủ? Cửa phòng trẻ em? Hay là cánh cửa nào khác nữa?
Còn nếu bạn đang muốn mở cửa mời Chúa vào đời sống mình, thì xin có đôi lời hướng dẫn sau:
Đầu tiên, hãy hạ mình xuống, mà cầu nguyện ăn năn những thái độ cao ngạo tự ỷ vào sức mình. Sau đó bạn hãy cầu nguyện mời Chúa tham gia vào cuộc sống mình, đặc biệt trong lĩnh vực nào mà mình đã sẵn sàng tuân phục sự lãnh đạo của Chúa.
Để thử cho biết mình đã thực sự mở cửa cho Chúa vào chưa, hãy kiểm tra bản thân mỗi khi làm những quyết định quan trọng – có dừng lại để cầu nguyện xin ý Chúa, xin Chúa ban phước hay không. Có thường xuyên cầu nguyện dâng lên Chúa mỗi ngày của mình không? Và dấu hiệu rõ nhất – có tìm kiếm Lời Chúa về điều mình quan tâm cần quyết định quan trọng?
Nguyện cho lòng chúng ta biết nghe tiếng Chúa, và sẵn lòng thuận phục sự lãnh đạo của Ngài!
Vì Chúa Ngài đang gõ cửa!

 

Ms Quốc Hùng - Hội thánh Tin lành Mát-xcơ-va



© 1999-2017 Tinlanh.Ru