Của lễ nào được nhậm?

zurbaran-agnus-dei-lamb-of-god

Bạn thân mến,

Chắc bạn thấy rõ, người nào đã biết đến Đức Chúa Trời và thật sự có lòng tôn kính Ngài, thì lẽ tự nhiên người đó sẽ thấy trong lòng thôi thúc muốn thể hiện bày tỏ lòng mình yêu kính và tôn thờ CHÚA. Và ý tưởng đầu tiên, sơ đẳng nhất trong tiềm thức mà dù tin Chúa hay không thì người nào cũng ý thức được - đó là phải dùng của lễ dâng để bày tỏ lòng thành mình khi đến với Trời.

Và cũng chính điều này đã được CHÚA lập thành luật lệ truyền cho Y-sơ-ra-ên trong Cựu Ước, mỗi khi dân sự đến ra mắt Đức Chúa Trời, họ sẽ phải mang của lễ mà nhờ thầy tế dâng lên, trước khi cầu nguyện xin ơn phước cho dân sự.

Những của lễ đó có ý nghĩa gì, nếu Đức Chúa Trời thật không có ăn hoặc dùng đến chúng? Những của lễ được chỉ định đó chỉ ra rằng luôn có cái giá phải trả cho mọi mối quan hệ, ngay cả trong quan hệ với Đức Chúa Trời, vấn đề là ở chỗ mỗi người chúng ta có dám trả giá xứng đáng để được gần Chúa hơn không?

Có nhiều người ngộ nhận là có thể tùy tiện dâng của lễ cho Trời, không hiểu rằng đó sẽ là của lễ không xứng đáng. Còn với cơ-đốc nhân chúng ta là những người đã nhận biết tình yêu của Chúa và được soi sáng bởi chân lý cứu rỗi, thì có sự phân biệt rõ hơn điều gì có thể coi là của lễ hy sinh, và những sự dâng hiến thế nào thì hợp lẽ phải, sẽ được Đức Chúa Trời tiếp nhận. Vì quan trọng nhất với của lễ dâng, đó là thế nào cho được nhậm.

Ngay từ buổi Sáng thế, những con người đầu tiên đã phải học bài học dâng của lễ cho Đức Chúa Trời để tìm cách xây dựng lại mối quan hệ với TRỜI đã đổ vỡ sau sự nổi loạn của tổ phụ loài người. Hai anh em là A-bên và Ca-in, hai người con của A-đam với Ê-va, mỗi người đã dâng của lễ theo cách mình tin, nhưng chỉ có một người được Đức Chúa Trời đoái nhận. A-bên dâng một con chiên trong bầy, vì tin câu chuyện cha mẹ mình kể về con thú sinh tế đã phải chịu chết, đổ máu vì họ trong ngày họ phạm tội. Còn Ca-in thì chẳng để tâm suy ngẫm nhiều về ý nghĩa, dâng của lễ cho Chúa một cách hình thức, tùy tiện lấy những gì sẵn có của nhà trồng được, theo ý thích riêng của anh ta.

Thật ra, không phải Đức Chúa Trời cần dùng đến của lễ nào đó của họ, mà đó là CHÚA chứng nhận ai là người có đức tin đẹp ý Ngài. Vì của lễ chúng ta dâng cho Đức Chúa Trời thật sự sẽ bày tỏ đức tin của chúng ta.

Cuộc xung đột đầu tiên trong lịch sử loài người, cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn xảy ra sau đó, có thể coi là một cuộc chiến tranh tôn giáo. Kẻ thờ Đức Chúa Trời theo hình thức đã ganh ghét với người thờ CHÚA bằng đức tin, đến nỗi đã giết chính em mình. Ngày nay cũng vẫn còn như vậy, những kẻ muốn thờ Đức Chúa Trời theo ý riêng và bằng hình thức của mình vẫn tiếp tục ức hiếp những người muốn đến gần Chúa thờ phượng Ngài bằng đức tin chân thành theo Lời Ngài chỉ dạy.

1. Của lễ phải từ đức tin.

Bài học đầu tiên, đó là cần biết dâng của lễ bằng đức tin, làm điều thuận theo ý Chúa, chứ không thể tùy tiện dâng điều theo ý mình cho là phải. Mà đức tin thật thì biết và vâng lời Thiên Chúa.

1 Sa-mu-ên 15:22 Sa-mu-ên nói: Ðức Giê-hô-va há đẹp lòng của lễ thiêu và của lễ thù ân bằng sự vâng theo lời phán của Ngài ư? Vả, sự vâng lời tốt hơn của tế lễ; sự nghe theo tốt hơn mỡ chiên đực;

Bạn có thể dâng xôi gà, và đốt nhang với vàng giấy khói nghi ngút theo ý mình, nhưng đừng nghĩ rằng Chúa Trời sẽ động lòng với những mâm lễ đó. Bạn cũng có thể tự tu tâm luyện tính, để chế ngự tư dục mình, nhưng có chắc mình đủ trọn lành đến nỗi gây ấn tượng đủ sức thuyết phục CHÚA khi bạn sẽ gặp Ngài?

Bạn và tôi, muốn đến với Chúa cần phải có của lễ đức tin. Của lễ đức tin cần, vì chúng ta cần đến ơn của Đức Chúa Trời. Ơn thương xót, ơn tha tội, ơn cứu rỗi - là thứ bạn không thể mua bằng những công đức và việc từ thiện, mà ơn CHÚA chỉ dành cho người có đức tin (Ga-la-ti 3:11; Hê-bơ-rơ 11:6 - {zefaniabible popover}Galatians 3:11{/zefaniabible} {zefaniabible popover}Hebrews 11:6{/zefaniabible}).

Mặt khác, bạn có thể biết và tin nhận ơn của Chúa, rồi sau đó tự trấn an mình rằng có thể thờ Ngài tại tâm, tại gia, chẳng cần phải thờ phượng Chúa và học hỏi Lời Ngài, nhưng đừng nghĩ là khi gặp Chúa bạn sẽ được phần thưởng. Bạn có thể cho rằng việc trang nghiêm đứng chịu lễ trong nhà thờ là đủ cho đời sống đức tin, còn thì có thể tùy tiện sống theo ý riêng mình trong đời, nhưng đừng tự tin quá đến mức ngộ nhận là Chúa nhất định vẫn sẽ phải ghi nhận những lần đốt nến cầu kinh của bạn.

Và cũng đừng nghĩ rằng cứ ai biết Chúa, biết luật pháp Ngài, là đã có đức tin. Kinh thánh khẳng định rằng ngay cả trong số những người đã biết đến Đức Chúa Trời Chân thật, cũng cần phải thờ phượng Chúa theo cách của Ngài, phục theo sự công chính mà Ngài đã định:

Rô-ma 10

1 Hỡi anh em, sự ước ao trong lòng tôi và lời tôi vì dân Y-sơ-ra-ên cầu nguyện cùng Ðức Chúa Trời, ấy là cho họ được cứu. 2 Vì tôi làm chứng cho họ rằng họ có lòng sốt sắng về Ðức Chúa Trời, nhưng lòng sốt sắng đó là không phải theo trí khôn. 3 Bởi họ không nhận biết sự công bình của Ðức Chúa Trời và tìm cách lập sự công bình riêng của mình, nên không chịu phục sự công bình của Ðức Chúa Trời;

4 vì Ðấng Christ là sự cuối cùng của luật pháp, đặng xưng mọi kẻ tin là công bình.

Bạn có muốn tự lập sự công chính riêng, con đường riêng của mình, mà bắt Chúa phải theo không?

Con đường công chính theo ý Đức Chúa Trời, đó là con đường đức tin, và cũng không phải đức tin mơ hồ chung chung, mà là đức tin cụ thể nơi Chúa Cứu thế Jê-sus Christ. Ngài là tâm điểm của đức tin chân thật, là Đấng Trung bảo kết nối loài người với Đức Chúa Trời trong một giao ước đời đời không ai có thể phá hủy được.

Bạn có thể đoán được vì sao không? Vì chính Ngài là của lễ chuộc tội trọn vẹn cho loài người, đã dâng lên một lần là đủ hết. Chính Ngài cũng đã dâng mình trọn vẹn theo ý Đức Chúa Trời, để nhờ Chúa Jê-sus mà nay chúng ta nay có thể đến gần được Đức Chúa Trời.

Hê-bơ-rơ 10

8 Trước đã nói: Chúa chẳng muốn, chẳng nhậm những hi sinh, lễ vật, của lễ thiêu, của lễ chuộc tội, đó là theo luật pháp dạy; sau lại nói: Ðây nầy, tôi đến để làm theo ý muốn Chúa. 9 Vậy thì, Chúa đã bỏ điều trước, đặng lập điều sau. 10 Ấy là theo ý muốn đó mà chúng ta được nên thánh nhờ sự dâng thân thể của Ðức Chúa Jêsus Christ một lần đủ cả.

crucified-800

Bây giờ bằng con mắt đức tin nhìn lại các lệ luật về của lễ trong Cựu Ước, chúng ta thấy chính đó là hình ảnh tiên báo về Chúa Jê-sus - Chiên con của Đức Chúa Trời, được định sẵn từ trước khi sáng thế là sẽ phải hy sinh để chuộc tội cho nhân loại.

Từ của lễ đầu tiên là con chiên mà A-bên dâng lên, của lễ thiêu của Nô-ê, con sinh tế mà Áp-ra-ham đổ máu để lập giao ước với Đức Chúa Trời, và khi Áp-ra-ham vâng lời chuẩn bị dâng chính đứa con trai mình làm của tế lễ, và bao nhiêu của lễ dâng lên theo luật lệ đền thờ - tất cả đều chỉ lên hình bóng Chúa Jê-sus - Của Lễ Cuối Cùng. Mọi của dâng chúng ta làm ra không bao giờ đủ giá trị để chuộc lại linh hồn mình, cho nên phải nhờ đến của tế lễ do chính Đức Chúa Trời sắm sửa - là Con Một Ngài đã sinh ra làm người và phó sự sống mình làm của lễ dâng thay cho nhân loại (xem Giăng 1:29 - {zefaniabible popover}John 1:29{/zefaniabible}), mới có thể chuộc tội trọn vẹn cho chúng ta được.

Muốn đến gần, muốn được đẹp lòng Chúa ngày hôm nay, và muốn được Ngài tha thứ và tiếp nhận, mỗi người phải dâng của lễ đức tin mình, bằng lời ca ngợi và cảm tạ của chính môi miệng mình xưng danh Ngài ra là Cứu Chúa.

cua-le-ngoi-khen-400

Hê-bơ-rơ 13:15 Vậy, hãy cậy Ðức Chúa Jêsus mà hằng dâng tế lễ bằng lời ngợi khen cho Ðức Chúa Trời, nghĩa là bông trái của môi miếng xưng danh Ngài ra.

Vì của lễ Đức Chúa Jê-sus dâng lên đã trọn vẹn đầy đủ, nên thờ phượng Chúa bây giờ không cần con sinh tế, cũng không quá chú trọng vào lễ nghi, mà là của lễ bằng lời ca ngợi, cảm tạ, tôn vinh Đức Chúa Trời, xuất phát từ đức tin  vào ân điển CHÚA đã ban ra trong Con Một Ngài.

Bạn có thường xuyên cảm tạ Chúa, xưng danh Ngài ra trước mặt mọi người không? Nếu biết đó là của lễ đẹp lòng Chúa? Nếu biết đó là phong cách sống của đức tin chân thật?

Hãy thường xuyên dâng của lễ đức tin mình cho Đức Chúa Trời! Của lễ ngợi khen!

2. Của lễ phải giá trị

Như vậy, chúng ta nay có Chúa Jê-sus là của lễ chuộc tội trọn vẹn, để lấy đức tin dạn dĩ đến gần ngôi ơn phước của Đức Chúa Trời. Và tấm lòng tìm kiếm Chúa, thái độ tận hiến dâng mình sẽ đưa chúng ta đến được gần hơn với Ngài, giống như những của lễ tình nguyện.

Giữa con người với nhau, món quà bày tỏ giá trị mối quan hệ, không ai dám tặng điều mà chính mình coi thường. Với Đức Chúa Trời cũng vậy, của lễ dâng Ngài phải là điều giá trị đối với chính người dâng. Câu chuyện vua Đa-vít, người được Chúa gọi là đẹp lòng Ngài (không phải vì ông là người hoàn hảo không hề phạm tội, mà vì thái độ tin cậy và tìm kiếm Chúa của ông giữa mọi sự bất toàn), khi ông phải chọn lựa chỗ để làm nơi dâng của lễ cho Đức Chúa Trời, đã dạy chúng ta bài học quí giá này:

2 Sa-mu-ên 24

22 A-rau-na tâu với Ða-vít rằng: Xin vua chúa tôi hãy dâng làm của lễ điều gì vua lấy làm tốt lành: Nầy những bò dùng làm của lễ thiêu; cộ và ách bò dùng làm củi để đốt của tế lễ. 23 Ôi vua! mọi điều đó A-rau-na xin dâng cho vua. A-rau-na tiếp: Nguyện Giê-hô-va Ðức Chúa Trời của vua tiếp nhận vua!

 24 Vua đáp cùng A-rau-na rằng: không không được; ta muốn mua hết của ngươi, cứ theo giá bạc. Ta không muốn dâng cho Giê-hô-va Ðức Chúa Trời ta những của lễ thiêu không đáng giá chi. Vậy, Ða-vít mua sân đạp lúa và bò giá năm mươi siếc lơ bạc. 25 Người lập tại đó một bàn thờ cho Ðức Giê-hô-va, và dâng của lễ thiêu cùng của lễ thù ân. Thế thì, Ðức Giê-hô-va động lòng thương Y-sơ-ra-ên, và tai họa trong xứ bèn ngừng lại.

Không! Không được! Ta không muốn dâng cho Giê-hô-va Ðức Chúa Trời ta những của lễ thiêu không đáng giá chi.

Bạn cũng đừng dâng cho Chúa những gì không phải mất công sức, thời gian, không có giá trị gì nhiều với bạn.

Thí dụ, không nên đòi hỏi chỗ thờ phượng Chúa phải gần nhà, phải thuận tiện giờ giấc cho đời sống và công việc mình, không nên tiếc công tiếc việc mà chẳng dành thời gian ngày Chúa nhật để đến Hội thánh, chẳng thà hãy cố gắng để sắp xếp thời gian, hãy nỗ lực vượt mọi trở ngại, và nếu cần hãy lựa chọn cả chỗ ở, công việc mình cho chủ động để đến được thờ phượng và hầu việc Chúa.

Hãy ghi nhớ lẽ thật này: Có của lễ đức tin xứng đáng mới có phần thưởng xứng đáng. Câu chuyện một mình tiên tri Ê-li thi đua với đám đông 450 thầy cúng của Ba-anh (trong sách 1 Các vua chương 18), xem của lễ của ai dâng sẽ được Chúa Trời nhậm lời bằng lửa, thật là một minh họa sắc nét cho điều này.

Chuyện xảy ra trong bối cảnh dân sự Y-sơ-ra-ên đã lầm lạc nhiều năm, sấp mình trước thần tượng Ba-anh mà bỏ sự thờ phượng Chúa Trời, khiến cả xứ khô cạn ơn phước. Lúc đó, Chúa truyền cho tiên tri Ê-li kêu gọi dân sự với cả đám thầy cúng Ba-anh, thách thức họ cùng dâng của tế lễ mà cầu nguyện cho xứ với thần của mình, xem lời cầu nguyện của ai sẽ có kết quả.

Sau này, trong sách Gia-cơ, Lời Chúa chỉ ra rằng tiên tri Ê-li cũng là người yếu đuối như mỗi chúng ta, nhưng ông đã biết dốc sức cố gắng trong sự cầu nguyện, được Chúa nhậm lời, khiến lòng dân tỉnh ngộ mà quay trở lại với Đức Giê-hô-va.

Sự cố gắng trong cầu nguyện này không phải chỉ là những lời nói, mà là một cuộc chiến đấu thuộc linh và thuộc thể với những kẻ thờ tà thần Ba-anh. Và trọng tâm trong sự kiện này, đó là bàn thờ nơi có của lễ dâng lên trước chứng kiến của cả dân chúng, của lễ của ai được nhậm bằng lửa giáng xuống từ trời, thì lẽ phải đức tin của người đó được chính CHÚA chứng thực, và sau đó được ơn mưa xuống cho xứ sở mình.

Suốt từ sáng đến chiều, cả đám đông 450 thầy cúng kia diễn đủ trò cầu cúng mà chẳng có điều gì xảy ra, và khi đến lượt người của Đức Chúa Trời, Kinh thánh kể:

God AnswersBy Fire when Elijah prayed

1 Các vua 18

30 Bấy giờ, Ê-li nói với cả dân sự rằng: Hãy đến gần ta. Dân sự bèn đến gần người. Ðoạn, Ê-li sửa lại cái bàn thờ của Ðức Giê-hô-va bị phá hủy. 31 Người lấy mười hai chi phái của các con trai Gia-cốp, là người mà lời của Ðức Giê-hô-va đã phán cho rằng: Y-sơ-ra-ên sẽ là tên ngươi. 32 Người dùng mười hai hòn đá ấy mà dựng lên một cái bàn thờ nhơn danh Ðức Giê-hô-va; chung quanh bàn thờ, người đào một cái mương đựng được hai đấu hột giống; 33 rồi chất củi, sả bò tơ ra từ miếng, và sắp nó lên trên củi. Kế người nói: 34 Hãy múc đầy bốn bình nước, và đem đổ trên của lễ thiêu và củi. Người lại nói: Hãy làm lần thứ nhì; thì người ta làm lần thứ nhì. Người tiếp: Hãy làm lần thứ ba, và họ làm lần thứ ba, 35 cho đến đỗi nước chảy chung quanh bàn thờ, và đầy cái mương nữa.

 36 Ðến giờ dâng của lễ chay ban chiều, tiên tri đến gần và nguyện rằng: Lạy Giê-hô-va Ðức Chúa Trời của Áp-ra-ham, của Y-sác, và của Y-sơ-ra-ên, ngày nay xin hãy tỏ cho người ta biết rằng Ngài là Ðức Chúa Trời trong Y-sơ-ra-ên, rằng tôi là kẻ tôi tớ Ngài, và tôi vâng lời Ngài mà làm mọi sự này. 37 Ðức Giê-hô-va ôi! Xin nhậm lời tôi, xin đáp lời tôi, hầu cho dân sự này nhìn biết rằng Giê-hô-va là Ðức Chúa Trời, và Ngài khiến cho lòng họ trở lại.

 38 Lửa của Ðức Giê-hô-va bèn giáng xuống, thiêu đốt của lễ thiêu, củi, đá, bụi, và rút nước trong mương.

 39 Thấy vậy, cả dân sự sấp mình xuống đất, và la rằng: Giê-hô-va là Ðức Chúa Trời! Giê-hô-va là Ðức Chúa Trời!

Và ngay sau đó dân sự sửa lại sai lầm, diệt bỏ thần tượng, và Ê-li đã tiếp tục dốc lòng cầu nguyện để được ơn Chúa ban mưa cho ngay nội buổi chiều hôm đó.

Có một chi tiết trong câu chuyện trên chúng ta cần chú ý. Ngoài việc dùng con sinh tế để làm của lễ dâng, Ê-li còn thêm một của lễ đặc biệt nữa trên bàn thờ dành cho danh Đức Giê-hô-va. Đó là nước. Nước mà xứ đang thiếu thốn và khao khát, nước là ơn phước cần nhất lúc này từ Trời, là nguyên cớ mà họ nhóm lại để cầu xin. Và không phải chỉ một chút nước thôi đâu, mà 12 bình nước đầy. Họ lấy đâu ra ngần đấy nước ở một nơi trên đỉnh núi Cạt-mên, khi hạn hán đã ba năm rưỡi làm khô cạn các nguồn nước, cánh đồng, và hao mòn cả xứ sở? Có thể đó là nước dự trữ mà cả đám đông dân sự đã mang theo người, dù sao đi nữa thì nước này rất quý giá với họ.

Nhưng họ đã dâng chỗ nước còn lại ít ỏi và quí giá, cũng chính là điều họ đang cần nhất. Và nhờ đó là tiên tri đã giúp dân sự bày tỏ tự đáy lòng đức tin và lòng trông cậy họ nơi Đức Chúa Trời. Khi đó lửa thiêng từ trời đáng giáng xuống, nhậm lời thiêu đốt hết cả con sinh tế và nước đã đổ tuôn ra. Để rồi chỉ một chốc sau đó, cơn mưa lớn tràn ngập đã tuôn đổ xuống, trả lại ơn lành cho xứ sở đã hết lòng ăn năn quay lại với Đức Chúa Trời.

Của lễ chúng ta dâng phải là cái thật sự giá trị, là cái chúng ta quí giá và cần thiết, thậm chí đang thiếu thốn. Khi đó nó mới có sức thu hút lửa thiêng từ trời.

Thật sự, đối với người công bình sống bởi đức tin thì chính Đức Chúa Trời và ân điển Ngài mới là điều giá trị hơn hết.

Trong mọi mối quan hệ, đều phải có nỗ lực của cả hai bên. Đức Chúa Trời đã trả giá đắt vô cùng, để bày tỏ cho thấy bạn đối với Ngài là giá trị đến như thế nào. Của lễ trọn vẹn - Chiên Con hy sinh trên thập tự giá - đã trả giá đủ cho tất cả và cho mỗi một con người trên đất này, để biến thập tự giá trở thành cổng trời - điểm hẹn cho mọi linh hồn lầm lạc có thể quay trở về được với CHÚA sự sống, và được tiếp đón thẳng từ nơi thập giá đó vào nước thiên đàng đời đời.

Nhưng, vẫn còn việc phải làm về phần con người, vẫn còn cái giá phải trả cho chặng đường của bạn đến được với chân thập tự giá. Khi bạn còn chưa biết, đã có ai đó trả giá bằng thời gian, công sức, tài chính, cũng như những lời cầu nguyện đầy tâm huyết, để truyền được sứ điệp Tin lành đến tận lòng bạn. Họ làm mọi điều đó không vì lợi lộc, chỉ như dâng lên Chúa một của lễ tình nguyện, của lễ yêu thương, vì biết ơn CHÚA và ân điển Ngài.

Bây giờ, về phần của bạn, bạn sẽ bày tỏ với Ngài như thế nào, để thấy rằng đối với bạn CHÚA và ân điển Ngài là giá trị hơn hết?

Nếu CHÚA đã ban trước cho chúng ta tất cả, cả của lễ chuộc tội và sự sống mới trong Con Ngài, thì con người có thể đền đáp cách nào cho tương xứng? 

Bạn có dám sẵn sàng dành một phần, thậm chí tất cả những ơn phước Chúa đã ban cho mình, để làm của lễ dâng lên Ngài không? Như Áp-ra-ham đã sẵn lòng dâng CHÚA chính đứa con yêu dấu mà ông sinh ra được nhờ đức tin bám chắc lời Chúa hứa và quyền phép kỳ diệu của Đức Chúa Trời... Và chính khi chuẩn bị dâng của lễ đó, đức tin ông đã được xác nhận là nên trọn vẹn (xem Gia-cơ 2:21-22), vì đức tin đó quả quyết rằng thật sự mọi phước lành con người có được trong cuộc sống này là đã đến từ CHÚA, và mọi sự của ta đều thuộc về Ngài.

3. Của lễ sống và thánh

Bây giờ, chúng ta sẽ gói gọn bằng chỉ một hình ảnh để mô tả của lễ như thế nào thì sẽ đẹp lòng Đức Chúa Trời, sẽ đảm bảo cho ân điển Chúa và ý muốn tốt lành của Cha thiên thượng sẽ được thành sự thật trong đời sống người con cái Ngài. Có thể đối với bạn đây sẽ không phải là điều gì mới lạ, mà chính là câu Kinh thánh chủ đạo nói về sự biến đổi nhận thức và thái độ sống, để trưởng thành đức tin, mà biến đổi cuộc sống một cơ-đốc nhân trở nên đầy dẫy vinh hiển Đức Chúa Trời.

Rô-ma 12

1 Vậy, hỡi anh em, tôi lấy sự thương xót của Ðức Chúa Trời khuyên anh em dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Ðức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của anh em. 2 Ðừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Ðức Chúa Trời là thể nào.

Của lễ giá trị nhất có thể dâng - đó chính là đời sống mỗi người chúng ta. Hãy để ý đây là của lễ sống, của lễ tình nguyện, với đầy đủ ý thức và lý trí chứ không bị ép buộc như một của lễ vô tri vô giác như đã chết rồi. Đó còn là của lễ thánh, khi chúng ta biệt dâng lên những dự định ước mơ mình vào bàn tay Đức Chúa Trời, thuận phục để Ngài sửa nắn và dẫn dắt. Tuyệt vời thay, càng sẵn sàng dâng mình như Áp-ra-ham, chúng ta càng thấy rằng Chúa không bao giờ lấy mất đi ơn phước, có chăng là Ngài chỉ muốn lấy đi những yếu đuối, tội lỗi, xấu xa còn lại, mà ban thêm ân điển để biến đổi chúng ta theo ý định tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Ngài cho đời sống mỗi con cái Chúa.

Hay-dang-than-the-minh-lam-cua-le-song-va-thanh

Như đã thấy, không ai có thể dâng của lễ chuộc tội nào khác ngoài tiếp nhận sự cứu chuộc trọn vẹn của Chúa Jê-sus. Nhưng, mỗi người chúng ta đều có thể đến dâng của lễ thù ân (tạ ơn), và những của lễ dùng lửa thiêu mà dâng lên - để biến đổi từ ý thức đến con người mình được nên tốt lành, đẹp lòng, và trọn vẹn hơn như ý Chúa.

Nếu trước kia bạn và tôi đã quen để cho tội lỗi dẫn dụ trong suy nghĩ và hành động mình, dùng những chi thể chúng ta như là công cụ gian ác, thì bây giờ hãy dâng cũng chính những chi thể đó làm công cụ của sự công chính, để Đức Chúa Trời soi dẫn các suy nghĩ và các hành động, biến hóa con người mỗi chúng ta.

Rô-ma 6:13 Chớ nộp chi thể mình cho tội lỗi, như là đồ dùng gian ác, nhưng hãy phó chính mình anh em cho Ðức Chúa Trời, dường như đã chết mà nay trở nên sống, và dâng chi thể mình cho Ðức Chúa Trời như là đồ dùng về sự công bình.

Thí dụ, phải dâng lên Chúa cái lưỡi của mình như của lễ, để không còn những lời hồ đồ, cay đắng, xét đoán, rủa sả, xúc xiểm, chia rẽ, tranh cãi... mà sẽ là những lời khôn ngoan, nhân hậu, yên ủi, động viên, khích lệ, nhân hòa. Những người không biết gì khác ngoài ngôn ngữ xô bồ của xác thịt, sẽ chẳng bao giờ nghe được tiếng Chúa, vì Ngài nói bằng ngôn ngữ mềm mại của Thánh Linh. Nhưng người nào quyết tâm kính sợ Chúa và kiềm chế lưỡi mình khỏi phạm tội, lắng nghe Thánh Linh dạy dỗ, sẽ có lời nói được ơn xức dầu.

Phải dâng lên Chúa công việc và tài chính của mình, để không còn những sự tham lam, tranh cạnh, ích kỷ, bủn xỉn, hẹp hòi, gian giảo nữa. Những người không biết gì khác ngoài tư lợi, sẽ khó mà cảm nhận được tình yêu thương chân thật của Đức Thánh Linh, vì Chúa dạy chúng ta sống nhịn nhục, nhân từ, hy sinh. Còn những ai có lòng dâng hiến, người đó sẽ chẳng thiếu lửa thiêng từ trời của Thánh Linh để yêu thương và hầu việc Chúa, phục vụ mọi người, xây dựng Hội thánh.

Phải dâng lên Chúa thời gian của mình, để không lãng phí những chuỗi ngày vô bổ, chơi bời, theo đuổi những điều hư không. Những người không biết tận dụng thời gian, quên lửng đi rằng ngày hôm nay là ngày thuận tiện, ngày hôm nay là ngày cứu rỗi, sẽ chẳng chuẩn bị sẵn sàng cho đức tin mình, cũng chẳng nghĩ xa để giới thiệu cho người thân mình biết về Chúa Jê-sus, giúp họ có đức tin để nhận được sự cứu giúp lúc cần, trước khi quá muộn. Còn những người tỉnh thức sẽ nắm bắt thời điểm phấn hưng khi gió Thánh Linh thổi, sẽ biết đứng vững trong đức tin mà cầu nguyện để được cơn mưa ơn phước, và cũng chính họ là những người sẽ đón gặp được Chúa Jê-sus khi Ngài quay trở lại (xem {zefaniabible VIE}Matthew 25:1-13{/zefaniabible}).

Phải dâng lên Chúa lời cảm tạ và tôn vinh danh Ngài, làm sự sáng của thế gian và muối của đất ngay giữa nơi mình ở và làm việc, và cũng phải dâng mình trong sự hầu việc Chúa cùng với Hội thánh. Những người thờ ơ với những lời kêu gọi của Chúa Jê-sus, chẳng nghĩ đến ngày được mời dự tiệc cưới Con Vua Trời, người này thì bị bỏ lại, người khác có vào được mà chẳng biết mặc áo lễ cho xứng đáng, sẽ lại bị bắt trói quẳng ra ngoài (xem {zefaniabible VIE}Matthew 22:1-14{/zefaniabible}).

Bạn thân mến, dâng mình làm của lễ sống đòi hỏi chúng ta sự đầu phục hàng ngày, đóng đinh tính xác thịt trong chi thể của mình, mà thuận theo Thánh Linh. Rất có thể những thí dụ trên đây chưa phù hợp với bạn, vì chỉ chính bạn mới là người biết suy xét để hiểu ra điều gì lúc này mình cần dâng lên Chúa, để được sự biến đổi tốt lành.

Hãy dâng chính mình làm của lễ sống và thánh, để ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Chúa được thành trong đời sống mỗi chúng ta! Đó chính là của lễ mà Đức Chúa Trời vui lòng tiếp nhận, không lấy mất đi, mà sẽ ban lại cho ta ơn phước bội phần!

A-men!

MS Quốc Hùng
Hội thánh Tin lành Moskva. 30-11-2014
Những hạt giống đức tin. Tinlanh.Ru

Xin lưu ý: khi các bạn chia sẻ và sao chép, nhớ giữ nguyên tên tác giả và xuất xứ (bản quyền) bài viết, cảm ơn các bạn về sự thông công trong tình yêu của Đấng Christ!

 



© 1999-2017 Tinlanh.Ru