Giao ước với Trời

Article Index

Lu-ca 22

19. Ðoạn, Ngài cầm lấy bánh, tạ ơn xong, bẻ ra phân phát cho môn đồ, mà phán rằng: Nầy là thân thể ta, đã vì các ngươi mà phó cho; hãy làm sự nầy để nhớ đến ta.
20. Khi ăn xong, Ngài cũng làm như vậy, lấy chén đưa cho môn đồ, mà phán rằng: Chén nầy là giao ước mới trong huyết ta vì các ngươi mà đổ ra.

1 Cô-rinh-tô 11
23. Vả, tôi có nhận nơi Chúa điều tôi đã dạy cho anh em: ấy là Ðức Chúa Jêsus, trong đêm Ngài bị nộp, lấy bánh,
24. tạ ơn, rồi bẻ ra mà phán rằng: Nầy là thân thể ta, vì các ngươi mà phó cho; hãy làm điều nầy để nhớ ta.
25. Cũng một lẽ ấy, sai khi ăn bữa tối rồi, Ngài lấy chén và phán rằng: Chén nầy là sự giao ước mới trong huyết ta; hễ khi nào các ngươi uống, hãy làm điều nầy để nhớ ta.

 

Trong đêm Ngài bị nộp, trong những giờ phút cuối cùng còn lại trước thập tự giá, Chúa Je-sus nói về giao ước.

Con Chúa Trời lập giao ước mới với con người.

Thánh Kinh mà chúng ta có trong tay - đó là hai Giao Ước. Cựu Ước - Giao ước với Dân sự Y-sơ-ra-ên - dòng dõi sanh ra từ Áp-ra-ham, Tân Ước - Giao ước Mới với ai có lòng tin đến Con Một của Đức Chúa Trời - là những kẻ có đức tin kiểu Áp-ra-ham. Đức Chúa Trời mời gọi con cái loài người đến với mối quan hệ ràng buộc, hết lòng, thân mật, gần gũi, và cao cả nhất có thể có được giữa hai bên - kiểu quan hệ của những người bạn kết ước.

Khi đọc Kinh thánh, những sự khác biệt về ngôn ngữ, về địa lý, văn hoá phong tục, về thời đại có thể trở thành những nguyên nhân cản trở chúng ta không nhận thức ngay ra được những chân lý vô cùng quan trọng đằng sau những từ ngữ ngắn gọn và đơn giản nhất. Một trong những khái niệm vô cùng quan trọng của nền tảng đức tin cơ-đốc mà mỗi khi chúng ta nhận thức được sâu nhiệm hơn thì càng thêm cho chúng ta niềm tin và phước hạnh, đó là khái niệm "Giao Ước".

Tôi nhớ là những lần đầu tiên khi được đọc đoạn Thánh Kinh trên đây (thường trong các lễ Tiệc thánh), nó khiến tôi xúc động về cái chết của Chúa, nhưng không gây chú ý cho tôi nhiều lắm về những lời Chúa nói. Vì tôi chưa hiểu thế nào là giao ước. Nhưng, cho đến khi nhận được sự tỏ ra về Giao Ước, tôi mới bàng hoàng mà nhận ra ý nghĩa chính trong những lời Chúa nói mà mình đã bỏ qua mất trong suốt thời gian qua.

Chúng ta phải tìm hiểu giao ước là gì, và các quan hệ giao ước là thế nào, thái độ của Chúa Trời với giao ước ra sao.

Nhờ những câu chuyện kết ước trong Thánh Kinh chúng ta có thể tìm hiểu sáng tỏ hơn về những điều đã nêu trên.

Từ thời Áp-ra-ham, việc lập giao ước đã thường xuyên được áp dụng, và ai cũng hiểu biết ý nghĩa quan trọng của nó. Khi hai con người, hoặc hai dòng họ, hoặc dân tộc kết ước với nhau, thì họ đã ràng buộc sự sống và tương lai của mình lại với nhau. Hai trở nên một. Có thể nói bằng những hình ảnh: "Gia đình của anh cũng là gia đình của tôi, tài sản của tôi cũng là tài sản của anh, kẻ thù của anh cũng là kẻ thù của tôi". Tội bội ước là một điều khủng khiếp, chỉ có một bản án xứng đáng là cái chết (Rô-ma 1:31,32).

Giao ước còn hơn cả hợp đồng, hơn cả lời hứa. Đó là mối quan hệ với trách nhiệm và sự trung thành vô biên giữa hai bên. Đó là cơ sở của lòng tin cậy hoàn toàn. Thậm chí nó còn mạnh hơn cái chết.

1. Phải để cho chúng nó sống, vì cớ giao ước!

Trong Thánh Kinh, chúng ta đọc thấy một câu chuyện về một giao ước không bình thường. Thậm chí nó còn là một cái bẫy mà dân Giô-suê cùng Y-sơ-ra-ên đã mắc phải, nhưng không phải vì thế mà họ dám coi thường hay chối bỏ nó. Chi tiết câu chuyện bắt đầu từ trong Giô-suê đoạn 9, sau khi Giô-suê đã lãnh đạo dân sự đánh chiếm hai thành trì đầu tiên trong xứ Ca-na-an:

1. Khi hay được việc này, hết thảy các vua ở bên này sông Giô-đanh, hoặc ở trong núi, dưới đồng bằng, hay là dọc bãi biển lớn đối ngang Li-ban, tức là các vua dân Hê-tít, dân A-mô-rít, dân Ca-na-an, dân Phê-rê-sít, và dân Giê-bu-sít,
2. đều rập một ý hiệp với nhau đặng giao chiến với Giô-suê và Y-sơ-ra-ên.

Trong khi những vua còn lại trong xứ đều hiệp ý với nhau để liều chết chiến đấu chống lại dân Y-sơ-ra-ên, thì có một dân trong xứ là dân Ga-ba-ôn không nghĩ như vậy. Họ không muốn bị bại trận và bị huỷ diệt, nhưng cũng biết rằng không thể cầu hoà, bởi đã nghe biết lệnh của Đức Chúa Trời phán cho Môi-se...

3. Khi dân Ga-ba-ôn đã hay điều Giô-suê làm cho Giê-ri-cô và A-hi,
4. bèn tính dùng mưu kế. Chúng nó giả bộ đi sứ, lấy bao cũ chất cho lừa mình, và bầu chứa rượu cũ rách vá lại,
5. dưới chơn mang giày cũ vá, và trên mình quần áo cũ mòn; hết thảy bánh về lương bị họ đều khô và miếng vụn.
6. Chúng nó đi đến gần Giô-suê tại trại quân Ghinh-ganh, mà nói cùng người và dân Y-sơ-ra-ên rằng: Chúng tôi ở xứ xa đến; vậy bây giờ, hãy lập giao ước cùng chúng tôi.

Họ giả bộ đi sứ, và đóng giả như những người từ phương xa đến, để kết ước hoà bình với Y-sơ-ra-ên. Họ dám dùng mưu mô đến lừa như vậy, vì họ hiểu một điều - nếu họ thành công trong việc lập giao ước với Y-sơ-ra-ên, thì giao ước đó sẽ cứu được họ cho dù sau này việc dối trá có lộ ra. Người Y-sơ-ra-ên sẽ không dám bội ước. Còn nếu không thành công, thì đằng nào họ chả phải bị huỷ diệt?...

Và đó cũng là một điểm khác biệt với cách nghĩ "hợp đồng hai bên cùng có lợi" của chúng ta ngày hôm nay. Giao Ước không phải lúc nào cũng chỉ lập ra giữa hai bên cùng mạnh như là một liên minh quân sự, hoặc là giữa hai bên mà mỗi bên có một mặt mạnh riêng của mình để bù đắp cho nhau, như trong trường hợp lập gia đình. Giao Ước nhiều khi lại là do người mạnh chấp nhận làm ơn cho kẻ yếu. Để làm ơn, để che chở cho kẻ yếu, để cho họ nấp dưới uy danh của mình, vì họ đã được ơn trước mặt kẻ mạnh.

7. Dân Y-sơ-ra-ên đáp cùng dân Hê-vít rằng: Có lẽ các ngươi ở giữa chúng ta chăng; vậy làm thế nào lập giao ước đặng?
8. Nhưng chúng nó nói cùng Giô-suê rằng: Chúng tôi là tôi tớ của ông. Giô-suê hỏi: Các ngươi là ai, ở đâu đến?
9. Ðáp rằng: Tôi tớ của ông ở từ xứ rất xa đến để tôn trọng danh Giê-hô-va là Ðức Chúa Trời của ông; vì chúng tôi có nghe nói về Ngài, và mọi điều Ngài đã làm trong xứ Ê-díp-tô;
10. lại cũng nghe về mọi điều Ngài đã làm cho hai vua A-mô-rít ở bên kia sông Giô-đanh, là Si-hôn, vua Hết-bôn, và Óc, vua Ba-san, ở tại Ách-ta-rốt.
11. Các trưởng lão và hết thảy dân sự ở xứ chúng tôi có nói cùng chúng tôi rằng: Hãy lấy lương thực dùng dọc đường, đi đến trước mặt dân đó, mà nói rằng: Chúng tôi là tôi tớ các ông; và bây giờ, hãy lập giao ước cùng chúng tôi.
12. Kìa, bánh của chúng tôi; ngày chúng tôi ra khỏi nhà đặng đi đến cùng các ông, chúng tôi lấy nó đem theo làm lương thực vẫn nóng hổi, mà ngày nay đã khô và bể vụn.
13. Những bầu rượu này chúng tôi đổ đầy rượu hãy còn mới tinh, kìa nay đã rách; còn quần áo và giày chúng tôi đã cũ mòn, bởi vì đi đường xa.

Những lời đó đã khiến người Y-sơ-ra-ên êm tai, và họ phạm một sai lầm lớn đó là không cầu hỏi cho biết Ý Chúa. Họ kết ước với người Ga-ba-ôn.

14. Người Y-sơ-ra-ên bèn nhậm lương thực chúng nó, không cầu hỏi Ðức Giê-hô-va.
15. Giô-suê lập hòa cùng chúng nó, và kết ước cho chúng nó sống; rồi các trưởng lão của hội chúng bèn thề cùng chúng nó.
16. Nhưng ba ngày sau khi đã lập giao ước cùng chúng nó, dân Y-sơ-ra-ên hay rằng các người này vốn lân cận mình, và ở tại giữa mình.
17. Dân Y-sơ-ra-ên lên đường, và ngày thứ ba đến thành chúng nó. Vả, các thành của chúng nó là Ga-ba-ôn, Kê-phi-ra, Bê-ê-rốt, và Ki-ri-át-Giê-a-rim.
18. Dân Y-sơ-ra-ên không giao chiến cùng dân đó, vì cớ các trưởng lão của hội chúng đã chỉ danh Giê-hô-va Ðức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên mà thề cùng dân đó; nhưng cả hội chúng lằm bằm cùng các quan trưởng.
19. Các quan trưởng bèn nói cùng cả hội chúng rằng: Chúng ta đã chỉ danh Giê-hô-va Ðức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên mà thề cùng dân đó; vậy, từ bây giờ chúng ta không thế hại chúng nó được.
20. Chúng ta phải đãi dân đó như vầy: Phải để cho chúng nó sống, hầu cho chớ vì cớ lời thề đã lập, mà chúng ta khiến cơn thạnh nộ của Ðức Giê-hô-va giáng trên chúng ta.
21. Vậy, các quan trưởng tỏ rằng chúng nó được sống, nhưng phải bị dùng để đốn củi xách nước cho cả hội chúng, y như các quan trưởng đã nói cùng chúng nó.

Chỉ có ba ngày sau sự dối trá đã bị lộ tẩy, và dân sự Y-sơ-ra-ên bắt đầu lằm bằm. Chắc chắn nhiều người nóng tính trong số họ đã đòi được ra tay để huỷ diệt đám dân này. Thứ nhất - vì họ nằm trong số những mục tiêu phải loại khỏi đất Ca-na-an như mạng lệnh của Đức Giê-hô-va mà ban đầu họ có được nghe. Thứ hai - đó lại là một lũ dối trá đáng chết. Có thể là Đức Giê-hô-va sẽ vui lòng khi chúng ta diệt đám dân đi để chuộc lại sai lầm của mình đã vội kết ước với họ mà không cầu hỏi Chúa cho rõ chăng?

Nhưng, đó là cách nghĩ của những kẻ không biết Đức Chúa Trời. Hãy để ý lời các quan trưởng nói - chớ bội ước - vì cớ bội ước thì chúng ta còn chịu sự rủa sả và cơn giận của Chúa còn nhiều hơn. Phải để cho chúng sống, làm tôi mọi cũng được, nhưng phải để cho sống. Chúng ta đã sai lầm một lần, nhưng không thể dùng một sai lầm khác để sửa lại thành đúng được. Bởi cớ đã có giao ước. Mà giao ước thì không thể được xâm phạm đến.

Ngày hôm nay, câu chuyện này có thể giúp gì được cho chúng ta? Giúp được nhiều lắm chứ - một thí dụ thường gặp - để thắng được mọi cám dỗ của ma quỉ trong hôn nhân của mình.

Có những người đến nói với chúng tôi - tôi bị anh ấy lừa, nên mới lấy anh ta. Cho nên bây giờ tôi phải tách khỏi anh ấy thôi... Hơn nữa, anh ta lại chưa tin Chúa, nói xấu con cái Chúa... Mới nghe qua - có thể cho ngay một lời khuyên là thế thì còn chờ gì nữa mà không tách ra?

Nhưng hôn nhân - đó là giao ước. Dù cho bạn có bị lừa hay không, đó cũng là giao ước mà bạn phải giữ, để được phước hạnh và được tránh khỏi cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời. Chúa sẽ có cách để cứu chuộc hôn nhân cùng với gia đình của bạn, và biết đâu nhờ đức tin của người vợ tin Chúa mà chồng cũng sẽ được cứu và được thay đổi, và gia đình sẽ được chữa lành...

Đức Chúa Trời tôn trọng giao ước và tôn trọng những người biết tôn trọng giao ước.

22. Giô-suê bèn gọi dân đó mà nói như vầy: Sao các ngươi đã gạt chúng ta, nói rằng: Chúng tôi ở rất xa các ông, té ra các ngươi ở giữa chúng ta?
23. Vậy, bây giờ, các ngươi bị rủa sả, không dứt làm tôi mọi, cứ đốn củi và xách nước cho nhà của Ðức Chúa Trời ta.
24. Chúng nó bèn thưa cùng Giô-suê rằng: Ấy là điều kẻ tôi tớ ông có hay rõ ràng Giê-hô-va Ðức Chúa Trời của ông đã phán dặn Môi-se, tôi tớ Ngài, biểu ban toàn xứ cho các ông, và diệt hết thảy dân ở trước mặt mình: ấy vậy, chúng tôi vì cớ các ông lấy làm rất sợ hãi cho sự sống mình, nên mới làm như vậy.
25. Bây giờ chúng tôi ở trong tay ông, hãy đãi chúng tôi tùy ý ông cho là tốt lành và công bình.
26. Giô-suê bèn làm như người đã nói, và giải cứu chúng nó khỏi bị tay dân Y-sơ-ra-ên giết.
27. Trong ngày đó, người cắt chúng nó làm kẻ đốn củi và xách nước cho hội chúng và cho bàn thờ của Ðức Giê-hô-va tại trong nơi Ngài chọn lựa; ấy là điều dân đó hãy còn làm đến ngày nay.

Câu chuyện này cho ta thấy thời đó mọi người nhận thức rõ ràng được phước hạnh của sự trung tín, và sự rủa sả kinh khủng đến mức nào dành cho những người bội ước (cho dù họ có là nạn nhân, bị lừa mà phải lập giao ước đó đi chăng nữa). Người Ga-ba-ôn đã được sống, vì họ biết Đức Chúa Trời bảo vệ giao ước, và họ cũng biết rõ rằng những trưởng lão Y-sơ-ra-ên cũng biết rõ ràng như vậy nữa.

Từ thời điểm đó trở đi, tương lai của họ đã được ràng buộc chặt chẽ với tương lai của dân Y-sơ-ra-ên. Họ sẽ được dự phần (cho dù chỉ là phần của tôi tớ) trong đất hứa, trong mọi phước hạnh mà Đức Chúa Trời có hứa ban cho dân sự Y-sơ-ra-ên.

Nhưng, họ cũng được "dự phần" có chung với Y-sơ-ra-ên những kẻ thù mới nữa. Và họ không thể ngờ được rằng chúng lại đến mau như vậy...



© 1999-2017 Tinlanh.Ru