Bạn thân mến,
Phước lành, may mắn – đó là những của báu vô hình mà ai cũng mong có được. Cũng là điều ta thường chúc nhau nhất trong dịp Tết. Ai lảng tránh các giá trị tâm linh thì chẳng nhận được chúng cho đời sống mình, còn ai tìm sẽ gặp. Bài viết này chia xẻ với bạn làm thế nào để đến với cội nguồn của phước hạnh và nhận được nó. Vì phước lành đem lại sự khác biệt, một chất lượng vô hình, quyết định sự thành công của cuộc sống con người.
Người được phước thì được phước cả ở nhà và nơi làm việc. Mọi vật gì thuộc về họ, từ thân thể đến công việc, đều ra hoa kết trái, cả trong sinh hoạt hàng ngày nữa. Họ đi đâu ở đâu cũng được an toàn và may mắn. Kẻ thù không thắng được họ mà mưu chước chống lại họ phải tự tan vỡ. Trời như mở cửa trên đầu họ, và đất như ngoan ngoãn sanh hoa màu cho họ. Họ dư dật và chẳng bao giờ mắc nợ ai, thậm chí người ta phải vay mượn họ. Họ ở thế cao hơn, luôn có ảnh hưởng trong xã hội.
Còn người vô phước (bị rủa sả) thì gặp bất hạnh ở khắp mọi nơi. Cả những gì họ sở hữu cũng gặp điều không may mắn. Họ sống trong lo sợ và kinh hoàng đến nỗi tổn thọ. Họ bị đủ các thứ bệnh tật. Cửa Trời như đóng chặt trên đầu, và đất cũng cứng như đá dưới chân. Quay đi đâu cũng như gặp hạn. Họ chưa đánh đã thua, dự định gì cũng thất bại, phải tản lạc khắp nơi mưu sinh. Họ xây nhà nhưng không được ở, trồng cây mà người khác cướp trái, và gia đình tan nát. Họ bị lấn át mà chẳng có ai bênh vực. Họ sống trong nợ nần, họ ở thế thấp hèn, chỉ biết theo đằng đuôi.
Cùng một hoàn cảnh xã hội, môi trường sống, công việc, cùng những cố gắng giống nhau nhưng người nào có phước, gặp may mắn thì cuộc sống họ đạt được thành công mà vẫn hạnh phúc.
Vì vậy không có gì ngạc nhiên là người Việt chúng ta thường xuyên đi cầu phước, và chúc phước cho nhau. Và không ai bảo ai, chúng ta đều biết là phước đến từ thế giới vô hình, thế giới tâm linh mà mắt thường không nhìn thấy. Nhưng cũng chính vì mắt thường không thấy nên nhiều người đã quá “giàu trí tưởng tượng” trong việc tìm cầu phước và vận may cho mình, vì không chịu suy ngẫm sau xa về vấn đề cốt lõi nhất. Đó là trả lời cho những câu hỏi sau:
Ai mới có thể cho ta được phước?
Và ai muốn cho ta được phước?
Nếu cầu phước từ linh hồn những người đã khuất là chẳng khôn. Thời họ còn sống, họ cũng lo cầu phước giống hệt như ta, thì làm sao chết đi họ lại có phước để ban cho được? Người sống phải cúng vàng mã cho những người đã khuất để họ được sống tốt hơn trong thế giới bên kia, thế thì là ai đang lo được cho ai? Người chết không thể lo được điều gì cho người sống cả, đừng nói gì đến chuyện phù hộ cho được may mắn. Vậy mà vẫn có người dại đến mức đi cầu phước từ những oan hồn –những người chết một cách bất hạnh... để cũng bất hạnh như họ sao?
Cầu phước từ các vật vô hồn là một cái dại khác nữa. Những thần tượng rõ ràng là do tay con người làm ra hẳn hoi, vô tri vô giác, không có sự sống, thì làm sao có quyền ban phước được. Cái đáng sợ biết đâu là những gì vô hình nấp đằng sau các thần tượng đó, mà khiến con người vừa thờ vừa sợ, nhưng mà sợ hãi thì không thể là phước hạnh được.
Người Việt chúng ta còn hay cầu Phật, nhưng liệu đã có ai tìm hiểu sâu xa rằng giáo lý nhà Phật dạy gì? Dạy rằng những mong muốn hạnh phúc cho cuộc sống mình mà bạn có, cũng là động lực khiến bạn phải cầu phước lại chính là dục vọng, mà dục vọng là nguyên nhân gây khổ, chỉ khi diệt dục thì bạn mới hết khổ. Nghĩa là họ cũng không muốn bạn vươn đến thành công, vì thành công theo ý họ nghĩa là từ bỏ mọi mong muốn. Hơn nữa, nói cho cùng thì Phật cũng chỉ là người, và đã khuất.
Vậy thì ai trong thế giới thần linh có phước để ta cầu xin? Ai mới thực sự muốn cho ta được phước? Một khi đã gạt bỏ những quan niệm sai lầm nói đến ở trên, thì câu trả lời sẽ đơn giản, rõ ràng, và thật ra chính bạn cũng biết.
Chúng ta phải cầu phước của Trời!
Người Việt chúng ta vẫn nói: “cầu Trời”, và “ơn Trời”. Nói cho chính xác thì từ mà chúng ta gọi là “Trời” không phải ông trời trong truyện cổ tích, cũng không phải trời cao mây trắng vô hồn, mà chính là để gọi Đức Chúa Trời. Ngài là Đấng Chí cao, là Chúa tể muôn loài vạn vật, vì chính Ngài là Đấng đã tạo ra trời đất. Cho nên chỉ có Chúa Trời mới có quyền xuống phước.
Từ xa xưa, ông cha chúng ta đã luôn giữ được nhận thức này, như có ghi chép lại trong các sách sử Việt nam:
"Ngày xưa, trước tất cả mọi sự đã có ông Trời, Trời là một bậc quyền phép vô song ở trên cao, làm ra tất cả: Trái đất, núi non, sông biển, mưa nắng; sinh ra tất cả: Loài người, muôn vật, cỏ cây... Từ mặt trời mặt trăng, các ngôi sao trên trời cho đến vạn vật ở mặt đất, tất cả đều do Trời tạo nên.
Trời có con mắt thấy tất cả, biết hết mọi sự xảy ra ở thế gian. Trời là cha đẻ muôn loài, xét đến muôn việc, thưởng phạt không bỏ ai. Do đó mà con người tin có đạo Trời, nhờ Trời, cho là Trời sinh, Trời dưỡng, và đến khi chết thì về chầu Trời.”
(Hoàng Trọng Miên, Việt Nam Văn Học Toàn Thư, I, trang 61)
Và con người chúng ta vẫn biết từ xa xưa rằng chúng ta sinh ra để được phước từ tay Chúa Trời, Đấng đã tạo dựng nên chúng ta. Lịch sử chân thật của loài người (Kinh thánh) có chép về điều đó:
Sáng thế ký đoạn 5:1-2
1 . Đây là sách chép dòng dõi của A-đam. Ngày mà Đức Chúa Trời dựng nên loài người, thì Ngài làm nên loài người giống như Đức Chúa Trời; 2 Ngài dựng nên người nam cùng người nữ, ban phước cho họ, và trong ngày đã dựng nên, đặt tên là người.
Như vậy, qua Kinh thánh, chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời không chỉ là Đấng toàn quyền ban phước, mà lòng Chúa cũng luôn muốn ban phước cho con người. Nhưng Kinh thánh còn kể về một sự kiện đáng buồn xảy ra từ buổi sáng thế, khi con người đã đánh mất phước của Đức Chúa Trời, khiến chúng ta ngày hôm nay vẫn còn phải chịu hậu quả. Khi đó con người đã phạm tội, nổi loạn chống lại Chúa, đến nỗi bị chia cắt khỏi Ngài, chia cắt khỏi nguồn phước. Chúa đã cảnh báo trước cho họ về những bất hạnh và đau khổ (gọi là sự rủa sả) sẽ đến với thế gian, và cả cái chết nữa:
Sáng thế ký đoạn 3:17-19
17 . Ngài lại phán cùng A-đam rằng: Vì ngươi nghe theo lời vợ mà ăn trái cây ta đã dặn không nên ăn, vậy, đất sẽ bị rủa sả vì ngươi; trọn đời ngươi phải chịu khó nhọc mới có vật đất sanh ra mà ăn. 18 Đất sẽ sanh chông gai và cây tật lê, và ngươi sẽ ăn rau của đồng ruộng; 19 ngươi sẽ làm đổ mồ hôi trán mới có mà ăn, cho đến ngày nào ngươi trở về đất, là nơi mà có ngươi ra; vì ngươi là bụi, ngươi sẽ trở về bụi.
Và từ đó trở đi, nhu cầu về phước hạnh lại càng trở nên đặc biệt cần thiết cho con người – bởi vì chúng ta đang sống trên mặt đất đã bị rủa sả vì cớ tội lỗi. Chính vì sự rủa sả do tội lỗi mà con người phải làm lụng khó nhọc, phải đổ mồ hôi trán mới có mà ăn, và kết cục cuối cùng của đời người trên đất này là cái chết. Từ thuở đó đến nay, hết thế hệ này đến thế hệ khác, người ta không ai bảo ai đều ngẩng mặt lên trời mà cầu xin, như ông cha chúng ta xưa trong ca dao vẫn hát:
“Lạy trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày, lấy đầy bát cơm,...”
“Ơn Trời mưa nắng phải thì, nơi thì cầy cạn, nơi thì bừa sâu.”
Và không phải chỉ người Việt, mà tất cả các dân đều biết và đều nói: “cầu Trời, ơn Trời”. Những người Việt sống ở nước ngoài, thí dụ như ở nước Nga, thì biết quá rõ điều này. Mặc dù người Nga chẳng biết ông Phật, chẳng biết cúng bái, chẳng lập điện thờ, họ cũng biết một ông Trời giống như chúng ta. Và họ cũng biết là phước đến từ trời, cho nên trong ngôn ngữ họ cũng có câu nói “cầu Trời, ơn Trời” giống hệt như chúng ta.
Vì Trời vẫn ban phước chung cho cả loài người.
Điều này phù hợp với điều Kinh thánh nói, là từ bao nhiêu đời nay, Đức Chúa Trời đã để cho các dân sống theo đường lối riêng của mình mà vẫn ban phước cho họ.
Công vụ 14:16-17
16 Trong các đời trước đây, Ngài để cho mọi dân theo đường riêng mình, 17 dầu vậy, Ngài cứ làm chứng luôn về mình, tức là giáng phước cho, làm mưa từ trời xuống, ban cho các ngươi mùa màng nhiều hoa quả, đồ ăn dư dật, và lòng đầy vui mừng.
Nhưng, cũng như mọi dân, ông cha chúng ta cũng biết rằng tội lỗi làm mất phước, nên đã đúc kết thành kinh nghiệm mà dạy dỗ con cháu mình:
“Ở hiền thì lại gặp lành,
Những người nhân đức Trời dành phước cho.”
Phước không thể đi đôi với tội. Có thể phạm tội để giành được thành công, giàu có, nhưng vẫn đau khổ, vẫn bất hạnh. Trong khi đó: “Phước lành của Đức Giê-hô-va làm cho giàu có; Ngài chẳng thêm sự đau lòng gì lẫn vào.” (Châm ngôn 10:22)
Nhưng chính tội lỗi là điểm yếu lớn nhất, điểm yếu chết người, vì dù cố gắng giữ đến mấy thì chúng ta ai ai cũng từng phạm tội. Tội là khi xét theo tiêu chuẩn luật pháp của Đức Chúa Trời. Mà bạn biết không, một bản sao của luật Chúa Trời đã được ghi trong lương tâm mỗi con người sinh ra trên đất. Chính lương tâm đã bao nhiêu lần nói với ta rằng ta đã làm điều sai trái. (Rô-ma 2:14-15)
Vậy thì làm sao chúng ta có thể được phước, làm sao có thể gạt bỏ tội lỗi mà đến được với Đức Chúa Trời? Vì Ngài thì không bao giờ thay đổi, Chúa đã tạo dựng nên con người để được hưởng phước của Ngài, thì lòng Ngài luôn mong ban phước cho họ. Nhưng, chính tội lỗi đã khiến chúng ta không thể đến gần được Chúa để mà được phước.
Ê-sai 59:1-2
1 . Nầy, tay Đức Giê-hô-va chẳng trở nên ngắn mà không cứu được; tai Ngài cũng chẳng nặng nề mà không nghe được đâu. 2 Nhưng ấy là sự gian ác các ngươi làm xa cách mình với Đức Chúa Trời; và tội lỗi các ngươi đã che khuất mặt Ngài khỏi các ngươi, đến nỗi Ngài không nghe các ngươi nữa.
Các đời người từ sau A-đam cho đến giờ, sinh ra, lao khổ, rồi lại chết đi về với cát bụi, đến nỗi người ta lầm nghĩ rằng đời người chỉ có như vậy. Nhưng Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho chúng ta một điều tốt hơn thế rất nhiều. Thời nay, Ngài đã sai Chúa Jê-sus, con Ngài xuống thế gian. Chúa Jê-sus đã dùng quyền năng Đức Chúa Trời để làm phước và chữa lành cho con người (Công vụ 10:38). Rồi khi Chúa Jê-sus chịu treo trên cây gỗ, thì Ngài đã gánh thay cho chúng ta tội lỗi và cả sự rủa sả, để ban phước lành đầy đủ trọn vẹn cho ai tin nhận Ngài, trong đó có cả phước sự sống đời đời nữa.
Ga-la-ti 3:13-14
13 Đấng Christ đã chuộc chúng ta khỏi sự rủa sả của luật pháp, bởi Ngài đã nên sự rủa sả vì chúng ta, vì có lời chép: Đáng rủa thay là kẻ bị treo trên cây gỗ, 14 hầu cho phước lành ban cho Ap-ra-ham nhờ Đức Chúa Jêsus Christ mà được rải khắp trên dân ngoại, lại hầu cho chúng ta cậy đức tin mà nhận lãnh Đức Thánh Linh đã hứa cho.
Chúa Jê-sus là cội nguồn của sự cứu rỗi và phước hạnh, không chỉ trong đời này mà cho cả đời đời.
Chúa Jê-sus đã chết nhưng đã sống lại, để bạn biết chắc rằng Ngài chính là Đức Chúa Trời quyền năng. Đến với Chúa Jê-sus thì bạn được tha thứ hết tội lỗi, mà người sạch tội thì được quyền hưởng phước, được ở cùng Ngài mãi mãi. Hơn thế nữa, Chúa không chỉ muốn cho bạn phước tạm đời này, nhưng Ngài còn ban một phước lớn nhất – đó là sự sống đời đời cùng Chúa.
Hãy quay về với Chúa Jê-sus. Khi tiếp nhận Ngài, Chúa sẽ ban cho bạn quyền trở nên con cái Đức Chúa Trời. Cả phước hạnh đầy trọn của Chúa cho đời này và đời sau là dành cho bạn.
Và rồi bạn cũng có thể hát như thế hệ cha ông ta đã dùng ca dao mà hát:
Xưa kia chỉ biết kêu trời,
mà nay đã biết gọi Trời là Cha,
trần gian chẳng phải là nhà,
đi về vĩnh cửu gặp Cha trên trời.
Chúc các bạn luôn được đầy ơn phước Chúa.
Ms Quốc Hùng