
Trong bài này chúng ta sẽ hiểu hơn về một phước hạnh thật sự lớn lao, mà sự hy sinh cứu chuộc của Chúa Jê-sus đã đem lại cho chúng ta. Thật đáng tiếc là nhiều người còn chưa nhận thức được đầy đủ tầm quan trọng của phước hạnh này, nên chưa tìm kiếm và gìn giữ nó cho cuộc sống mình.
Đó là phước hạnh hòa thuận.
Khi tiếp nhận sự cứu rỗi, là con người được hòa với Đức Chúa Trời và được hòa với mọi người.
Cô-lô-se 1
20 và bởi huyết Ngài trên thập tự giá, thì đã làm nên hòa bình, khiến muôn vật dưới đất trên trời đều nhờ Ngài mà hòa thuận cùng chính mình Ðức Chúa Trời.
21 Còn anh em ngày trước vốn xa cách Ðức Chúa Trời, và là thù nghịch cùng Ngài bởi ý tưởng và việc ác mình, 22 nhưng bây giờ Ðức Chúa Trời đã nhờ sự chết của Con Ngài chịu lấy trong thân thể của xác thịt mà khiến anh em hòa thuận, đặng làm cho anh em đứng trước mặt Ngài cách thánh sạch không vết, không chỗ trách được;
Ê-phê-sô 2
13 Nhưng trong Ðức Chúa Jêsus Christ, anh em là kẻ ngày trước cách xa, hiện nay đã nhờ huyết Ðấng Christ mà được gần rồi. 14 Vì, ấy chính Ngài là sự hòa hiệp của chúng ta; Ngài đã hiệp cả hai làm một, phá đổ bức thường ngăn cách, 15 là sự thù nghịch đã phân rẽ ra, bởi vì Ngài đã đem thân mình mà trừ bỏ luật pháp của các điều răn chép thành điều lệ. Như vậy, khi làm cho hòa nhau, Ngài muốn lấy cả hai lập nên một người mới ở trong Ngài, 16 và vì bởi thập tự giá Ngài đã làm cho sự thù nghịch tiêu diệt, nên nhờ thập tự giá đó Ngài khiến cả hai hiệp thành một thể, mà làm hòa thuận với Ðức Chúa Trời. 17 Ngài lại đã đến rao truyền sự hòa bình cho anh em là kẻ ở xa, và sự hòa bình cho kẻ ở gần. 18 Vì ấy là nhờ Ngài mà chúng ta cả hai đều được phép đến gần Ðức Chúa Cha, đồng trong một Thánh Linh.
Càng suy ngẫm, chúng ta sẽ càng thấy sự hòa thuận thực sự là một phước hạnh lớn lao nữa trong Tin lành quyền phép của Chúa, có thể biến đổi hoàn toàn chất lượng đời sống và kết quả mọi công việc chúng ta làm.
Phước hạnh đó sẽ đến cho những người nghe được Lời Chúa và nhờ Lời đó mà được giải phóng khỏi sự chia rẽ và xung đột liên miên, đang cướp đi sự vui thỏa của những ngày trên đất, và đang phá hoại công việc của những tập thể. Sự bất hòa cũng vô cùng cản trở việc con cái Chúa sống làm nhân chứng cho Đức Chúa Trời trên đất.
Phước của sự hòa thuận!

1 Kìa, anh em ăn ở hòa thuận nhau Thật tốt đẹp thay!
2 Ấy khác nào dầu quí giá đổ ra trên đầu, Chảy xuống râu, tức râu của A-rôn, Chảy đến trôn áo người;
3 Lại khác nào sương móc Hẹt-môn Sa xuống các núi Si-ôn; Vì tại đó Ðức Giê-hô-va đã ban phước, Tức là sự sống cho đến đời đời.
Trước tiên, muốn có được sự hòa thuận, chúng ta phải nhận thức ra giá trị của nó, để không đổi nó lấy của cải, quyền lực hay bất cứ hư danh nào khác. Vì nó đem lại chất lượng thực sự cho mọi phần còn lại có thể đo đếm bằng số lượng của đời sống con người.
Sự hòa thuận khác nào sự xức dầu, là biểu tượng cho sự cứu giúp luôn tươi mới từ Chúa toàn năng, khác nào sương móc từ trời, là biểu tượng của ơn mưa móc từ Đức Chúa Trời. Ai hiểu được điều này thì sẽ được phước hạnh bình an thật sự.
Phước Chúa sẽ thấm nhuần từ trên xuống dưới, như dầu chảy từ đầu đến thân mình tận vạt áo, và cả tập thể, từ lãnh đạo đến nhân viện, từ bố mẹ đến con cái bé bỏng, từ mục sư Hội thánh cho đến từng thành viên nhỏ bé nhất cũng đều được phước.
Nếu để ý, có thể thấy rằng trong những gia đình hòa thuận, trẻ em lớn lên cũng bình an và tự tin, khỏe mạnh hơn, tử tế hơn và phát triển hơn so với những trẻ em phải lớn lên trong sự bất hòa thiếu tình yêu thương. Và những tập thể đoàn kết có thể làm được nhiều việc hơn, chất lượng hơn, vì con người với tâm hồn bình an được thông cảm và ủng hộ sẽ có khả năng làm việc và sáng tạo vượt trội so với người luôn ức chế vì gặp sự chống đối.
Hơn nữa, sự hiệp một nhân lên sức mạnh. Trong sách Phục truyền 32:30 có nói về quyền phép của Chúa hành động trong con cái Chúa sẽ được nhân lên qua sự hiệp một của họ, nếu một người rượt nổi ngàn người, thì hai người hiệp lại có sức đuổi mười ngàn người.
Vì vậy chẳng lạ gì mà ma quỉ sẽ tìm mọi cách mà tấn công để phá hủy sự hòa thuận, cướp đi phước hạnh và sức mạnh của con cái Chúa chúng ta.
Thế gian quen sống trong sự chia rẽ, vì đó là bản tính ích kỷ của con người tội lỗi.
Ma quỉ chia để trị. Chia rẽ con người khỏi Đức Chúa Trời để cai trị loài người.
Ma quỉ sợ sức mạnh của sự hiệp một, nên nó phá “từ trong nhà ra ngoài đường”, từ quan hệ trong gia đình, cho đến quan hệ trong xã hội.
Hãy dừng lại để xem những tấm gương sự bất hòa chia rẽ đã làm khổ con người và phá đời sống họ như thế nào
Trong sách Châm ngôn nhiều lần nói bóng bảy rằng không có nhà cửa, tiện nghi, của cải nào sánh được với cuộc sống không bị ô nhiễm bởi sự tranh cạnh.
Châm ngôn 21:9 Thà ở nơi xó nóc nhà, Hơn là ở chung nhà với một người đờn bà hay tranh cạnh.
Trong đời sống người tin Chúa, đã được hòa thuận với Đức Chúa Trời, thì càng phải học giữ sự hòa hiệp với nhau, sự bất hòa trong gia đình sẽ làm rối loạn sự cầu nguyện.
1 Phi 3:7 Hỡi người làm chồng, hãy tỏ điều khôn ngoan ra trong sự ăn ở với vợ mình, như là với giống yếu đuối hơn; vì họ sẽ cùng anh em hưởng phước sự sống, nên phải kính nể họ, hầu cho không điều gì làm rối loạn sự cầu nguyện của anh em.
Bất hòa, cũng như bệnh tật hoặc sự nghèo đói, hoàn toàn không phải là ý muốn của Đức Chúa Trời cho con cái Ngài. Nếu bạn là người có tính xung đột, hay chống đối, chỉ quen giải quyết vấn đề bằng sự đối đầu, thì đây là lúc phải xét lại cách sống của mình, và ăn năn thay đổi đi.
Hòa thuận là ý Chúa

Ma-thi-ơ 5:9 Phước cho những kẻ làm cho người hòa thuận, vì sẽ được gọi là con Ðức Chúa Trời!
Vậy nếu muốn xứng đáng là con cái của Đức Chúa Trời, bạn và tôi phải học cách không chỉ biết sống hòa thuận mà còn làm người hòa giải nữa!
Trong 2 Cô-rinh-tô 5, sứ đồ Phao-lô nói rằng chức vụ rao giảng Tin lành cũng là đạo giảng hòa – để con người làm hòa lại với Đức Chúa Trời!
2 Cô-rinh-tô 5
18 Mọi điều đó đến bởi Ðức Chúa Trời, Ngài đã làm cho chúng ta nhờ Ðấng Christ mà được hòa thuận lại cùng Ngài, và giao chức vụ giảng hòa cho chúng ta. 19 Vì chưng Ðức Chúa Trời vốn ở trong Ðấng Christ, làm cho thế gian lại hòa với Ngài, chẳng kể tội lỗi cho loài người, và đã phó đạo giảng hòa cho chúng tôi. 20 Vậy chúng tôi làm chức khâm sai của Ðấng Christ, cũng như Ðức Chúa Trời bởi chúng tôi mà khuyên bảo. Chúng tôi nhơn danh Ðấng Christ mà nài xin anh em: hãy hòa thuận lại với Ðức Chúa Trời. 21 Ðức Chúa Trời đã làm cho Ðấng vốn chẳng biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta, hầu cho chúng ta nhờ Ðấng đó mà được trở nên sự công bình của Ðức Chúa Trời.
Đức Chúa Trời đem lại sự hòa thuận, giao ước, gia đình, Hội thánh, thân thể với Chúa Jê-sus là đầu. Đều là những hình ảnh hiệp một trong hòa thuận. Đó cũng là dấu ấn chứng tỏ rõ rằng chúng ta là con cái của Đức Chúa Trời.
Giăng 17
20 Ấy chẳng những vì họ mà Con cầu xin thôi đâu, nhưng cũng vì kẻ sẽ nghe lời họ mà tin đến Con nữa, 21 để cho ai nấy hiệp làm một, như Cha ở trong Con, và Con ở trong Cha; lại để cho họ cũng ở trong chúng ta, đặng thế gian tin rằng chính Cha đã sai Con đến.
Như vậy, Hội thánh cần rao giảng sự hiệp một, và con cái Chúa phải là gương mẫu của sự hiệp một, nếu không thì người đời sẽ tìm thấy điều đó ở đâu?
Giống như sứ điệp về sự chữa lành – đã đem sự giải phóng khỏi bệnh tật đến cho muôn triệu con cái Chúa. Mặc dù lúc đầu gặp sự cản trở, thì ngày hôm nay chân lý về sự chữa lành hầu như đã được khẳng định rộng rãi trong các hệ phái Tin lành.
Hoặc như sứ điệp về đời sống thạnh vượng – đã giúp cho những thế hệ con cái Chúa quay trở lại để nắm bắt được những lời hứa phước lành, để đời sống được dư dật, trở thành đầu chứ không phải lẽo đẽo ở đằng đuôi, mà trở nên những người có tầm ảnh hưởng giúp cho nhiều người quay về với vương quốc của Đức Chúa Trời.
Nhưng muốn xây dựng hiệp một, trước tiên mỗi người cần biết sống hòa thuận. Khi có thái độ tìm kiếm sự hiệp một, học cách ăn ở cho hòa thuận, thì con cái Chúa sẽ càng kinh nghiệm sự gần gũi của quyền năng Đức Chúa Trời.
Cho nên sứ đồ Phao-lô đã chỉ bảo những cơ-đốc nhân non trẻ ở Cô-rinh-tô cần phải học điều này
2 Cô-lô-se 13:11 Rốt lại, hỡi anh em, hãy mừng rỡ; khá theo đến sự trọn lành; hãy yên ủi mình, hiệp một tâm tình, ở cho hòa thuận, thì Ðức Chúa Trời sự yêu thương và sự bình an sẽ ở cùng anh em.
Vì ma quỉ sẽ càng điên cuồng tấn công sự hòa thuận, nên chúng ta phải càng cảnh giác với nó và mọi biểu hiện của sự bất hòa chia rẽ. Kinh thánh đã cảnh báo rằng con người thời kỳ sau rốt này sẽ càng khó hòa thuận hơn.
2 Ti-mô-thê 3
1 Hãy biết rằng trong ngày sau rốt, sẽ có những thời kỳ khó khăn. 2 Vì người ta đều tư kỷ, tham tiền, khoe khoang, xấc xược, hay nói xấu, nghịch cha mẹ, bó buộc, không tin kính, 3 vô tình, khó hòa thuận, hay phao vu, không tiết độ, dữ tợn, thù người lành, 4 lường thầy phản bạn, hay nóng giận, lên mình kiêu ngạo, ưa thích sự vui chơi hơn là yêu mến Ðức Chúa Trời, 5 bề ngoài giữ điều nhơn đức, nhưng chối bỏ quyền phép của nhơn đức đó. Những kẻ thể ấy, con hãy lánh xa đi.
Phong cách sống đầy tranh cạnh và bất hòa, cũng giống như những điều xấu khác có thể lây lan, từ người này người khác, cho nên thậm chí Lời Chúa còn khuyến cáo phải tránh xa những người hay tranh cạnh.
Lời Chúa cảnh báo chúng ta tránh khỏi mọi sự ghen tương tranh cạnh. Và Thuốc Chữa – đó là sự khôn ngoan thiên thượng, trước hết sẽ thể hiện ra ở sự thanh sạch, sau đó là hòa thuận, tiết độ, nhu mì, đầy dẫy lòng thương xót và bông trái lành, không có sự hai lòng và giả hình.
Gia-cơ 3
16 Vì ở đâu có những điều ghen tương tranh cạnh ấy, thì ở đó có sự lộn lạo và đủ mọi thứ ác. 17 Nhưng sự khôn ngoan từ trên mà xuống thì trước hết là thanh sạch, sau lại hòa thuận, tiết độ, nhu mì, đầy dẫy lòng thương xót và bông trái lành, không có sự hai lòng và giả hình. 18 Vả bông trái của điều công bình thì gieo trong sự hòa bình, cho những kẻ nào làm sự hòa bình vậy.
Bông trái của điều công bình thì gieo trong sự hòa bình!
Đó chính là môi trường để những hạt giống lành có thể sinh sôi nảy nở và cho chúng ta được mùa gặt tốt lành!

Rô-ma 12
17 Chớ lấy ác trả ác cho ai; phải chăm tìm điều thiện trước mặt mọi người. 18 Nếu có thể được, thì hãy hết sức mình mà hòa thuận với mọi người.
Trong quan hệ với con cái Chúa khác, sứ đồ Phao-lô khuyến cáo Ti-mô-thê lưu ý đặc biệt tinh thần hòa thuận – nó được xếp cùng tầm quan trọng với sự công bình, đức tin, và tình yêu thương...
2 Tim 2:22 Cũng hãy tránh khỏi tình dục trai trẻ, mà tìm những điều công bình, đức tin, yêu thương, hòa thuận với kẻ lấy lòng tinh sạch kêu cầu Chúa.
Hòa thuận để ủng hộ và giúp đỡ cho công việc Chúa ngày càng phát triển
1 Tê-sa 5
12 Hỡi anh em, xin anh em kính trọng kẻ có công khó trong vòng anh em, là kẻ tuân theo Chúa mà chỉ dẫn và dạy bảo anh em. 13 Hãy lấy lòng rất yêu thương đối với họ vì cớ công việc họ làm. Hãy ở cho hòa thuận với nhau.
Nếu có ai còn chưa biết thế nào là hòa thuận, thì có thể tóm tắt theo tinh thần Kinh thánh:
- Khiêm nhường, coi người khác tôn trọng hơn mình
- Mềm mại
- Nhịn nhục
- Lấy lòng yêu thương mà chiều nhau
- Không coi xung đột, đối đầu là giải pháp
- Gìn giữ sự hiệp một của các chi thể trong thân thể
Ê-phê-sô 4:2 phải khiêm nhường đến điều, mềm mại đến điều, phải nhịn nhục, lấy lòng thương yêu mà chìu nhau, 3 dùng dây hòa bình mà giữ gìn sự hiệp một của Thánh Linh.
Phi-líp 2
1 Vậy nếu trong Ðấng Christ có điều yên ủi nào, nếu vì lòng yêu thương có điều cứu giúp nào, nếu có sự thông công nơi Thánh Linh, nếu có lòng yêu mến và lòng thương xót, 2 thì anh em hãy hiệp ý với nhau, đồng tình yêu thương, đồng tâm, đồng tư tưởng mà làm cho tôi vui mừng trọn vẹn. 3 Chớ làm sự chi vì lòng tranh cạnh hoặc vì hư vinh, nhưng hãy khiêm nhường, coi người khác như tôn trọng hơn mình. 4 Mỗi người trong anh em chớ chăm về lợi riêng mình, nhưng phải chăm về lợi kẻ khác nữa.
Hãy cố gắng hết sức mà ở cho hòa thuận, và hãy làm người hòa giải, xứng đáng là con cái của Đức Chúa Trời!
Ms Quốc Hùng