Mười điều răn

tencommandments_fingerAnh chị em thân mến!
Cây phải có gốc, sông phải có nguồn, dân tộc phải có lịch sử. Đời sống đức tin của người tin Chúa muốn được vững mạnh và kết quả phải vững gốc rễ đức tin mình.

Trong con số những cơ-đốc nhân người Việt đang tăng lên không ngừng theo cấp số nhân, có rất nhiều anh chị em mới tin nhận Chúa Jê-sus, được gia nhập vào đội ngũ của dân sự Chúa, nhưng còn rất nhiều người chưa nắm rõ về lịch sử của dân tộc mà mình mới gắn bó – dân sự của Đức Chúa Trời mình.

 

Niềm tin cơ-đốc có những cội rễ sâu xa suốt lịch sử loài người. Ngày hôm nay chúng ta sẽ học về một sự kiện hết sức quan trọng, có thể gọi là trung tâm của lịch sử dân Chúa thời Cựu Ước, và vẫn còn nguyên tầm ảnh hưởng đến đời sống ngày nay. Có thể so sánh tầm quan trọng của nó với lịch sử của dân Y-sơ-ra-ên giống như tầm quan trọng của sự kiện tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba đình với lịch sử hiện đại Việt nam. Chúng ta đang nói về mười điều răn. Đối với ai đó đây sẽ là lần đầu tiên được nghe, đối với ai đó sẽ là lần đầu tiên chia sẻ.

 

Kinh thánh kể cho chúng ta biết rằng mười điều răn này Môi-se đã được nhận từ chính Đức Chúa Trời, chính ngón tay Ngài đã viết chúng trên hai bảng đá. (Phục truyền 9:9-10)

Bạn có nhớ Chúa ban mười điều răn Ngài trong hoàn cảnh nào không? Lúc đó dân sự mới được giải cứu một cách thần kỳ ra khỏi ách nô lệ (bốn trăm năm) ở xứ Ai-cập, và đang trên đường về miền đất hứa của mình. Dọc đường, Chúa dẫn dân sự rẽ đến nơi chân núi Si-nai, và Ngài truyền gọi Môi-se lên đỉnh núi, và cả dân sự phải nhóm lại ở dưới để chờ đợi, trong ngày nhóm hiệp mà Môi-se nhắc đến.

Vừa mới ra khỏi Ai-cập, từ một nhóm người nô lệ với nếp sống và ý thức của những người nô lệ, họ đang trên quá trình biến hóa thành một dân một nước, và cái mà giúp họ hình thành được vương quốc phải là đạo đức và pháp luật. Mười điều răn Chúa ban này là tiêu chuẩn đạo đức, sau đó Chúa Trời còn ban cho Môi-se một bộ luật hình sự rất chi tiết nữa (trong sách Phục truyền luật lệ ký).

Bản luật Hồng Đức (Quốc triều hình luật) của Việt nam được lịch sử lưu lại đến nay có nguồn gốc từ thời vua Lê Thánh tông (Hậu Lê) – cuối thế kỷ 15 – đến nay được khoảng hơn 500 năm. Bản luật pháp Đức Chúa Trời ban cho dân sự của Ngài - dân Do-thái đã có từ 1500 năm trước công nguyên, tức là có trước luật của Việt nam 3000 năm. Nhìn vào những con số ấn tượng đó có thể liên tưởng rằng luật pháp các quốc gia loài người đã học được từ luật pháp của Đức Chúa Trời ban từ trước đó rất lâu cho dân sự Ngài. Chính đó là một lý do để người Do-thái tự hào về lịch sử của mình như dân sự Chúa so với các dân khác, như chúng ta đọc thấy trong những lời Phao-lô viết từ hai ngàn năm trước.

Muốn bắt đầu đời sống cơ-đốc, muốn xây dựng một nếp sống và nền văn hóa cơ-đốc cho thế hệ cơ-đốc nhân người Việt đông đảo ngày hôm nay, chúng ta phải nhắc nhớ đến luật pháp Chúa.

Ai đó không suy nghĩ sâu xa có thể nói với bạn rằng chúng ta đang sống trong thời đại mới, thời đại ân điển mà Chúa Jê-sus đã đem đến cho nhân loại, và chúng ta không còn phục dưới luật pháp nữa, cho nên mười điều răn không có còn giá trị gì. Đấy là quan niệm sai lầm.

Thứ nhất – có thể nói mười điều răn là bản tóm tắt những tiêu chuẩn đạo đức mà Đức Chúa Trời đòi hỏi trong lối sống của con người. Đến bây giờ những đòi hỏi này vẫn ý nguyên như vậy, vì Đức Chúa Trời không hề thay đổi.

Thứ hai – muốn nhận được ân điển (ban tha thứ và cứu rỗi), con người phải nhờ Luật pháp Chúa Trời chỉ ra để nhận thức được thực trạng tội lỗi của mình. Ân điển không phải để ta tùy ý phạm tội và nhỏ nhen ích kỷ, nhưng để ban cho ta sức thắng tội lỗi và sống ban cho.

Xin hãy đọc để những lời này ấn chứng trong lòng bạn.

Xuat Edipto 20:1-17
1 Bấy giờ, Ðức Chúa Trời phán mọi lời nầy, rằng:
(1) 2-3 Ta là Giê-hô-va Ðức Chúa Trời ngươi, đã rút ngươi ra khỏi xứ Ê-díp-tô, là nhà nô lệ. Trước mặt ta, ngươi chớ có các thần khác.
(2) 4-6 Ngươi chớ làm tượng chạm cho mình, cũng chớ làm tượng nào giống những vật trên trời cao kia, hoặc nơi đất thấp nầy, hoặc trong nước dưới đất. Ngươi chớ quì lạy trước các hình tượng đó, và cũng đừng hầu việc chúng nó; vì ta là Giê-hô-va Ðức Chúa Trời ngươi, tức là Ðức Chúa Trời kỵ tà, hễ ai ghét ta, ta sẽ nhơn tội tổ phụ phạt lại con cháu đến ba bốn đời, và sẽ làm ơn đến ngàn đời cho những kẻ yêu mến ta và giữ các điều răn ta.
(3) 7 Ngươi chớ lấy danh Giê-hô-va Ðức Chúa Trời ngươi mà làm chơi, vì Ðức Giê-hô-va chẳng cầm bằng vô tội kẻ nào lấy danh Ngài mà làm chơi.
(4) 8-11 Hãy nhớ ngày nghỉ đặng làm nên ngày thánh. Ngươi hãy làm hết công việc mình trong sáu ngày; nhưng ngày thứ bảy là ngày nghỉ của Giê-hô-va Ðức Chúa Trời ngươi: trong ngày đó, ngươi, con trai, con gái tôi trai tớ gái, súc vật của ngươi, hoặc khách ngoại bang ở trong nhà ngươi, đều chớ làm công việc chi hết; vì trong sáu ngày Ðức Giê-hô-va đã dựng nên trời, đất, biển, và muôn vật ở trong đó, qua ngày thứ bảy thì Ngài nghỉ: vậy nên Ðức Giê-hô-va đã ban phước cho ngày nghỉ và làm nên ngày thánh.
(5) 12 Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi, hầu cho ngươi được sống lâu trên đất mà Giê-hô-va Ðức Chúa Trời ngươi ban cho.
(6) 13 Ngươi chớ giết người.
(7) 14 Ngươi chớ phạm tội tà dâm.
(8) 15 Ngươi chớ trộm cướp.
(9) 16 Ngươi chớ nói chứng dối cho kẻ lân cận mình.
(10) 17 Ngươi chớ tham nhà kẻ lân cận ngươi, cũng đừng tham vợ người, hoặc tôi trai tớ gái, bò, lừa, hay là vật chi thuộc về kẻ lân cận ngươi.

Bây giờ, chúng ta hãy cùng suy ngẫm một chút về những điều mình đã đọc. Có phải là nhiều điều trong danh sách đó không phải là mới, thí dụ những điều răn từ thứ năm đến thứ mười, đều là những điều có trong lương tâm con người khắp năm châu bốn bể. Vì sáu điều răn này để giới răn quan hệ giữa con người với nhau, nên chúng ta cũng thấy hình bóng của chúng trong luật pháp của bất cứ xã hội nào.

Nhưng những điều răn quan trọng đứng hàng đầu trong danh sách này chỉ dạy chúng ta cách xây dựng quan hệ tốt với Đức Chúa Trời, và chưa làm được chúng thì đừng hy vọng làm được những điều còn lại. Cơ sở đạo đức của xã hội phải là sự kính sợ Chúa Trời, và phải tôn thờ Ngài. Còn những kẻ chẳng kính sợ Trời sẽ không chùn tay trước bất kỳ điều ác nào.

THỨ NHẤT:
(1) 2 Ta là Giê-hô-va Ðức Chúa Trời ngươi, đã rút ngươi ra khỏi xứ Ê-díp-tô, là nhà nô lệ. 3 Trước mặt ta, ngươi chớ có các thần khác.

Nước Nga thời gian cuối có những tấm  pa-nô lớn, thay cho quảng cáo là những câu Kinh thánh ngắn gọn. Một trong những câu đó là câu này “Ta là Giê-hô-va Ðức Chúa Trời ngươi” – nhắc cho người đi đường biết và nhớ Đức Chúa Trời.

Đất nước nào nhắc đến Đức Chúa Trời thường xuyên trong xã hội, nước đó lòng dân được giữ khỏi sự độc ác. Phước cho dân tộc nào có Đức Giê-hô-va làm chủ.
Ngài không chỉ là Đấng sẽ phán xét, mà Ngài còn là Đấng giải cứu chúng ta khỏi sự nô lệ cho tội lỗi.

Và Ngài còn nhắc thêm nữa: Trước mặt ta ngươi chớ có các thần khác.

Thần tượng là đối tượng mà con người để lòng trông cậy và sùng bái tôn thờ. Vậy thì thần tượng có thể chính là tiền bạc, của cải, hoặc công việc, hoặc là tài năng học vị, danh vọng, hoặc một con người nào đó. Nhưng lòng ai nghĩ vậy là họ đang coi thường chính Đức Chúa Trời.
Chúa nói thẳng cho chúng ta - đừng thờ lạy và trông cậy bất cứ thần tượng nào khác vì chỉ có Ngài là Đấng ban cho chúng ta mọi sự, đừng dành vinh hiển cho bất cứ ai ngoài Đức Chúa Trời. Đừng chọc giận Chúa, vì Đức Chúa Trời yêu chúng ta đến mức ghen tương.

Hơn nữa, các thần tượng lòng người dựng nên chỉ là hình tượng mà thôi, chính những thần đó phải nhờ những con người mà tồn tại, còn Đức Chúa Trời bày tỏ Ngài ra qua Kinh thánh rằng Ngài là Đấng Tự hữu Hằng hữu.

Vì Giê-hô-va rất lớn, đáng được ngợi khen lắm lắm; Ngài đáng kính sợ hơn hết các thần. Vì những thần của các dân đều là hình tượng; Còn Ðức Giê-hô-va đã dựng nên các từng trời. (Thi thiên 96:4-5)

THỨ HAI:
(2)  4 Ngươi chớ làm tượng chạm cho mình, cũng chớ làm tượng nào giống những vật trên trời cao kia, hoặc nơi đất thấp nầy, hoặc trong nước dưới đất. 5 Ngươi chớ quì lạy trước các hình tượng đó, và cũng đừng hầu việc chúng nó; vì ta là Giê-hô-va Ðức Chúa Trời ngươi, tức là Ðức Chúa Trời kỵ tà, hễ ai ghét ta, ta sẽ nhơn tội tổ phụ phạt lại con cháu đến ba bốn đời, 6 và sẽ làm ơn đến ngàn đời cho những kẻ yêu mến ta và giữ các điều răn ta.

Không được làm tượng chạm hoặc hình vẽ nào, dù đó là để mô tả chính các vật trên thiên đàng, để biến nó thành đối tượng thờ lạy. Thậm chí dù có là hình tượng Chúa, thiên sứ, thiên đàng, hình thập tự giá chăng nữa, cũng không thể coi chúng như là “bùa hộ mệnh” vì có mang hình ảnh Chúa. Nên nhớ rằng đó chỉ là sản phẩm của trí óc và bàn tay con người, còn Chúa vĩ đại hơn nhiều so với bất cứ một trí tưởng tượng nào của con người.

Tuyệt đối không quỳ lạy vật do tay người làm ra. Vật đó kém hơn người làm ra nó, mà con người còn kém Chúa vô cùng, làm sao lại có thể tôn hình thể đó là đại diện cho Đức Chúa Trời được?

Ðức Giê-hô-va phán như vầy: Trời là ngai ta, đất là bệ chơn ta. Các ngươi sẽ xây nhà thể nào cho ta? Các ngươi sẽ lấy nơi nào làm chỗ nghỉ ngơi cho ta? Ðức Giê-hô-va phán: Mọi sự nầy đều bởi tay ta làm ra, và có như vậy. (Ê-sai 66:1-2)

Nguy hiểm nữa là ai thờ hình tượng đều sẽ trở nên giống như nó

Hình tượng chúng nó bằng bạc bằng vàng, Là công việc tay người ta làm ra. Hình tượng có miệng mà không nói; Có mắt mà chẳng thấy; Có tai mà không nghe; Có lỗ mũi mà chẳng ngửi; Có tay, nhưng không rờ rẫm; Có chơn, nào biết bước đi; Cuống họng nó chẳng ra tiếng nào. Phàm kẻ nào làm hình tượng, và nhờ cậy nơi nó. Ðều giống như nó. (Thi thiên 115:4-8)

THỨ BA:
(3) 7 Ngươi chớ lấy danh Giê-hô-va Ðức Chúa Trời ngươi mà làm chơi, vì Ðức Giê-hô-va chẳng cầm bằng vô tội kẻ nào lấy danh Ngài mà làm chơi.

Chớ lấy danh Chúa mà làm chơi! Mà Chúa là Trời, cho nên bạn cũng phải tránh đem Trời ra mà đùa cợt. Đấy là tội.

Nhiều người muốn cho lời nói mình thêm uy tín thì lấy danh Chúa mà thề, hoặc dùng danh Ngài để gây sức ép buộc người khác phải làm theo ý mình nữa. Chớ mượn danh Chúa để phục vụ cho mưu mô của mình, để đi lừa gạt và lợi dụng người khác. Đấy là tội trọng.

Chúa cho ta được mang danh của Ngài và quyền cầu nguyện nhân danh Ngài. Chớ làm xấu danh Chúa khi cầu xin trái lẽ, khi sống vô đạo đức! Hãy làm sáng danh Ngài, thì khi đó chính bạn sẽ được tôn vinh.

THỨ TƯ:
(4) 8-11 Hãy nhớ ngày nghỉ đặng làm nên ngày thánh. Ngươi hãy làm hết công việc mình trong sáu ngày; nhưng ngày thứ bảy là ngày nghỉ của Giê-hô-va Ðức Chúa Trời ngươi: trong ngày đó, ngươi, con trai, con gái tôi trai tớ gái, súc vật của ngươi, hoặc khách ngoại bang ở trong nhà ngươi, đều chớ làm công việc chi hết; vì trong sáu ngày Ðức Giê-hô-va đã dựng nên trời, đất, biển, và muôn vật ở trong đó, qua ngày thứ bảy thì Ngài nghỉ: vậy nên Ðức Giê-hô-va đã ban phước cho ngày nghỉ và làm nên ngày thánh.

Điều răn thứ tư là điều vô cùng đặc biệt. Nghe qua không thấy là điều hiển nhiên chút nào, và có lẽ là điều răn mà người Việt chúng ta phạm nhiều nhất. Nhiều anh chị em rất tin yêu Chúa Jê-sus mà không ngờ đến mình đang làm trái một điều răn vô cùng quan trọng, thậm chí được Chúa xếp ngay sau ba điều răn đầu tiên giới lệnh về thái độ con người phải có với Ngài.

Điều răn thứ tư chủ yếu dành riêng cho bạn. Nó đứng trước cả điều răn “hiếu kính cha mẹ” và “chớ giết người”.

Bạn phải giữ ngày nghỉ trong tuần cho mình. Bạn phải biết nghỉ ngơi.

Khi Chúa Jê-sus tổng kết các điều răn luật pháp của Đức Chúa Trời, Ngài gói gọn còn có hai điều:

Ma-thi-ơ 22:37-40 “Ðức Chúa Jêsus đáp rằng: Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Ðức Chúa Trời ngươi. Ấy là điều răn thứ nhứt và lớn hơn hết. Còn điều răn thứ hai đây, cũng như vậy: Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình. Hết thảy luật pháp và lời tiên tri đều bởi hai điều răn đó mà ra.”

“Yêu mến Chúa” – tương ứng ba điều răn đầu tiên, “yêu kẻ lân cận” – tương ứng sáu điều răn cuối, “như mình” – tôi nghĩ có phản ánh gì đó của điều thứ tư.

Bạn phải biết yêu bản thân mình, thì bạn mới yêu được người khác như mình chứ? Bạn phải biết chăm sóc bản thân mình, thì mới gọi là yêu bản thân mình được chứ? Bạn phải biết nghỉ ngơi, phải tạo điều kiện cho người nhà và người làm công cho mình được một ngày nghỉ ngơi. Con người được tạo dựng nên như vậy. Ngày đó là ngày thánh, để chúng ta được đến thờ phượng Chúa, và được bồi bổ lại cả tinh thần cả sức lực. Ngày đó cũng là ngày bạn giành cho những người thân, cho gia đình mình.

Cả luật pháp bất cứ nước văn minh nào cũng bảo vệ ngày nghỉ này, vậy mà nhiều người Việt nam cộng đồng chúng ta ở đây còn tiếp tục làm việc không một ngày nghỉ. Khi làm sai những qui luật tự nhiên Chúa định cho loài người, nhiều người đã kiệt sức và đau ốm, cuối cùng tiền bạc kiếm được lại đổ vào chữa bệnh. Liệu đó có phải là cuộc sống Chúa muốn cho bạn không?

Hôm nay bạn đã được biết về điều răn thứ tư. Hãy cầu xin Chúa giúp mình sắp xếp được cuộc sống để làm theo. Trách nhiệm bây giờ là thuộc về bạn.

THỨ NĂM
(5) 12 Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi, hầu cho ngươi được sống lâu trên đất mà Giê-hô-va Ðức Chúa Trời ngươi ban cho.

Điều răn này đặc biệt ở chỗ là điều răn đầu tiên có lời hứa về phần thưởng đi kèm. Người ta có thể tìm cách vu khống người tin Chúa không thờ lạy cha mẹ tổ tiên là bất hiếu, nhưng đó chỉ là sự vu khống. Từ đầu tiên và cho đến sau này Lời Chúa luôn dạy chúng ta hiếu kính cha mẹ. Và lời hứa cũng không phải là “nhẹ cân” – bạn sẽ được sống lâu trên đất.

Những nước mà tuổi thọ trung bình cao (có nhiều người sống lâu) là những nước có truyền thống hiếu kính cha mẹ. Các nước phương đông, châu Á còn giữ được tốt điều này.

Khi Chúa Jê-sus treo trên thập tự giá, Chúa đã gọi Giăng – môn đồ yêu của Ngài và truyền lệnh cho Giăng nhận Ma-ri làm mẹ và phụng dưỡng bà thay Ngài.

Con cái Chúa là những người hết lòng biết ơn và kính trọng cha mẹ mình, và hết lòng hiếu kính cha mẹ mình. Và đặc biệt là chúng ta làm điều đó ngay khi cha mẹ mình còn sống trong đời, chứ không phải đợi đến lúc họ khuất mới tổ chức giỗ cúng linh đình chỉ để ăn cho thỏa dạ. Hiếu kính cha mẹ không đồng nghĩa với thờ cúng.

THỨ SÁU
(6) 13 Ngươi chớ giết người.

Điều răn này rất rõ – bạn không phải là Đấng ban sự sống, thì bạn cũng không có quyền cướp đi, hoặc xâm phạm quyền được sống của người khác. Để bảo vệ xã hội, tòa án nước nào cũng dành cho mình quyền phán xét tử hình những kẻ ác và vô cùng nguy hiểm cho xã hội, nhưng đã nhiều năm nay các nước văn minh tìm cách tránh xử dụng quyền đó một cách tối đa, nước Nga cũng không phải là ngoại lệ.

Việc nạo phá thai cũng là giết người, vì cướp đi quyền được sống của một đứa trẻ, khi nó còn quá yếu ớt không thể tự bảo vệ mình. Các nước kính sợ Chúa đều có đạo luật ngăn cấm việc phá thai. Vì đó là trọng tội.

THỨ BẢY
(7) 14 Ngươi chớ phạm tội tà dâm.

Tà dâm là quan hệ tình dục với người khác ngoài hôn nhân. Trước hôn nhân cũng vậy, và trong khi “đang tự do không ràng buộc với ai” cũng vậy. Còn có quan điểm hiện nay là sống thử trước hôn nhân, đã có biết bao nhiêu bất hạnh sanh ra từ đó. Rồi còn nói “giải quyết sinh lý” nữa, cũng là một sự bào chữa cho xác thịt.

Anh em há chẳng biết người nào kết hiệp với điếm đĩ, thì trở nên một xác với nó sao? Vì có chép rằng: Hai người sẽ đồng nên một thịt. Còn ai kết hiệp với Chúa thì trở nên một tánh thiêng liêng cùng Ngài. Hãy tránh sự dâm dục. Mặc dầu người ta phạm tội gì, tội ấy còn là ngoài thân thể; nhưng kẻ buông mình vào sự dâm dục, thì phạm đến chính thân thể mình. (1 Cô-rinh-tô 6:16-18)

THỨ TÁM
(8) 15 Ngươi chớ trộm cướp.

THỨ CHÍN
(9) 16 Ngươi chớ nói chứng dối cho kẻ lân cận mình.

THỨ MƯỜI
(10) 17 Ngươi chớ tham nhà kẻ lân cận ngươi, cũng đừng tham vợ người, hoặc tôi trai tớ gái, bò, lừa, hay là vật chi thuộc về kẻ lân cận ngươi.

Ba điều răn này cũng hiển nhiên và dễ hiểu, đặc biệt là khi chúng ta biết sống theo lương tâm mình. Nhiều khi chỉ cần nhắc lại cho mình, cho người khác những điều răn – đòi hỏi đạo đức này của Chúa, chúng ta sẽ đủ sức mạnh tinh thần giữ được cho bản thân mình và cho người khác.

Để kết thúc bài chia sẻ này, mời các bạn thử trả lời câu hỏi: giữa người tin Chúa và người chưa tin Chúa, ai sẽ bị cám dỗ nhiều hơn? Thí dụ: đứng trước chỗ tiền bạc sơ hở, hoặc trước cám dỗ tình dục, hoặc trước những sức ép muốn buộc mình phải dối trá, thì trong hai người đó ai là người sẽ bị cám dỗ mạnh hơn?

Câu trả lời: ma quỉ sẽ tấn công (cám dỗ) người con cái Chúa điên cuồng hơn. Vì người chưa có Chúa vẫn đang nằm trong tay nó rồi, nhưng nó sẽ tìm mọi cách để lôi kéo người con cái Chúa. là người đã thoát khỏi tay nó, dể họ sa ngã và quay lại con đường xiềng xích cũ.

Bạn thấy đấy, chúng ta phải có ân điển Chúa Jê-sus để sống và giữ được mười điều răn của Đức Chúa Trời. Nhưng chính Lời Chúa, chính nhận thức về mười điều răn lại là vũ khí thuộc linh để chúng ta đảnh trả mọi cuộc tấn công của kẻ thù, và giữ được cho đời sống mình trong quỹ đạo phước hạnh.

 

Ms Quốc Hùng

Ghi theo bài giảng 25/4/2010 tại Hội thánh Tin lành Mát-xcơ-va



© 1999-2017 Tinlanh.Ru