Họ sẽ nói tiếng mới

thumb pentecost-6Bài học cho ngày 09-07

Họ sẽ nói tiếng mới (trích sách NVNHL)

 

Vậy những kẻ tin sẽ được các dấu lạ nầy:

lấy danh ta mà trừ quỉ;

dùng tiếng mới mà nói;

- Mác 16:17

 

Không quan trọng việc bạn thuộc hệ phái nào hay bạn được dạy những gì trong Hội thánh, sự thật vẫn là sự thật: Chúa Jê-sus đã nói là những ai tin sẽ nói thứ tiếng mới, và đó sẽ là một trong những dấu lạ đi kèm với họ. Lần đầu tiên về sự nói tiếng lạ được nhắc đến trong sách Công vụ 2:1-4: "Ðến ngày lễ Ngũ Tuần, môn đồ nhóm họp tại một chỗ. Thình lình, có tiếng từ trời đến như tiếng gió thổi ào ào, đầy khắp nhà môn đồ ngồi. Các môn đồ thấy lưỡi rời rạc từng cái một, như lưỡi bằng lửa hiện ra, đậu trên mỗi người trong bọn mình. Hết thảy đều được đầy dẫy Ðức Thánh Linh, khởi sự nói các thứ tiếng khác, theo như Ðức Chúa Trời cho mình nói." Đây có lẽ là ví dụ nổi tiếng nhất về việc những tín đồ đã bắt đầu nói được tiếng lạ. Có thể vì đó là trường hợp đầu tiên khi các tín đồ được đầy dẫy Đức Thánh Linh và khởi đầu nói tiếng lạ. Nhưng cũng có thể vì ngày hôm đó đầy những phép lạ. Chúng ta hãy xem chính điều gì đã xảy ra khi đó.

Vào ngày lễ Ngũ tuần dân chúng tụ họp đến từ khắp mọi nơi (câu 6). Từ tiếng Hy-lạp plethos – "dân chúng" được dùng trong các sách Phúc Âm khoảng 25 lần với ý chỉ một đám đông rất lớn, một số đông dân chúng. Và điều đó nói lên rằng trong ngày hôm đó từ các thành phố khác nhau đã hội tụ lại nhiều thứ dân nói nhiều thứ tiếng. Số lượng của họ đông gấp bội số lượng các môn đồ. Trong ngày hôm đó về hội tụ có người Bạt-thê (Parthia - bắc Ba-tư), người Mê-đi (Media bắc I-ran), người Ê-la-mít (Ê-lam cổ đại thuộc I-ran), các dân tộc Mê-sô-bô-ta-mi (vùng Lưỡng Hà), Giu-đê, Cáp-ba-đốc (Cappadocia - Thổ Nhĩ Kỳ), Bông, A-si (Pontus và Tiểu Á), Phi-ri-gi, Bam-phi-ly, Ê-díp-tô, đất Li-by gần Sy-ren, nào kẻ từ Rô-ma đến, cả người Giu-đa hoặc người mới theo đạo Giu-đa, người Cơ-rết và Ả-rập. Các tín đồ được đầy dẫy Đức Thánh Linh, đã nói các thứ tiếng mới lớn tiếng đến nỗi những người đến tụ họp đó đề nghe thấy và ngạc nhiên vì những điều được nghe. Dân chúng "ai nấy đều sững sờ vì mỗi người đều nghe các môn đồ nói tiếng xứ mình" (Công vụ 2:6).

Từ suncheo – "sững sờ", còn dịch nghĩa là làm cho bối rối, bàng hoàng, luống cuống, làm rối trí, kinh ngạc, sửng sốt. Từ lalouton – "nói", có nghĩa là nói liên tục, trôi chảy bằng tiếng mẹ đẻ hoặc ngoại ngữ. Tức là các tín đồ khi ra đường phố đã nói tiếng lạ không ngừng. Thế còn là ít, mỗi người dân đến hội tụ còn được nghe tiếng nước mình và ngôn ngữ địa phương của mình nữa. Từ tiếng Hy-lạp dialektos – "ngôn ngữ" mà bây giờ có từ "dialect - thổ ngữ". Mà như thế nghĩa là các tín đồ không chỉ nói bằng các tiếng nước khác, mà bằng cả những ngôn ngữ địa phương từ nơi những người này đến tụ hội hôm đó. Hãy hình dung mà xem: số tín đồ chỉ có 120 người, còn người chưa tin là cả đám đông. Như vậy các tín đồ đã nói bằng hàng trăm thứ tiếng địa phương. Học tiếng nước ngoài nếu rất muốn thì được, nhưng mà để học được các thổ ngữ địa phương thì cần nhiều năm nỗ lực làm việc. Không có gì ngạc nhiên ở chỗ có những nhà ngôn ngữ học biết được các thổ ngữ nào đó, nhưng để mà những tín đồ xứ Ga-li-lê này nói trôi chảy cùng lúc hàng trăm (!) thổ ngữ - thì đó là điều không thể tưởng tượng nổi, và vì thế mà dân chúng đã bàng hoàng sững sờ.

pentecost-6
Đa số các tín đồ đã nói tiếng lạ lúc đó là người vùng Ga-li-lê, và điều đó càng làm cho đám đông phải bối rối. Bởi vì người Ga-li-lê là những người thường dân, không giàu có và thiếu học. Cho nên cả cuộc đời họ diễn ra chỉ trong vùng Ga-li-lê, họ không có điều kiện để học được các ngôn ngữ khác. Vì vậy "Chúng đều sợ hãi và lấy làm lạ mà rằng: Hết thảy người nói đó, há chẳng phải là người Ga-li-lê sao?" (Công vụ 2:7).

Từ existimi – "sợ hãi", cũng được dịch là bị quá sức hiểu, mất tự chủ, mất bình tĩnh. Từ này mô tả một người bị kinh ngạc đến nỗi không nói nên lời.

Từ thaumadzo – "lấy làm lạ", được dịch ra là rất ngạc nhiên, thắc mắc. Nó mô tả một người hoàn toàn bối rối vì những gì mình thấy và nghe. Mọi người có mặt tại đó đều bị bối rối, hoang mang, kinh ngạc vì những người Ga-li-lê này nói bằng nhiều thứ tiếng và cả những thổ ngữ không thịnh hành.

Nhưng các môn đồ ngày hôm đó có thật là chỉ nói bằng các ngôn ngữ trên đất, tức là ngôn ngữ có người dùng trên đất thôi không? Một số người quả quyết rằng hôm đó các môn đồ nói bằng các ngôn ngữ người ta hiểu được. Nhưng Phao-lô đã viết rằng nói tiếng lạ - đó là nói bằng thứ tiếng người ta không hiểu: "Vì người nào nói tiếng [lạ], thì không phải nói với người ta, bèn là với Ðức Chúa Trời, bởi chẳng có ai hiểu ..." (1 Cô-rinh-tô 14:2). Từ "lạ" được để trong ngoặc, vì nó không có trong bản gốc. Từ này được thêm vào khi dịch, để nhấn mạnh rằng Phao-lô ở đây không nói về tiếng nói trên đất, mà về tiếng nói mà chỉ có Đức Chúa Trời hiểu. Tiếp theo trong chương đó Phao-lô viết rằng tiếng lạ - đó là thứ tiếng thiên thượng – là tiếng mà không người nào trên đất hiểu được. Tiếng nói đó không có ai hiểu, thậm chí cả người đang nói, nếu như anh ta không cầu xin Đức Thánh Linh thông giải những điều vừa nói bằng thứ tiếng đó. Như vậy, trong ngày Ngũ tuần các tín đồ không nói bằng những ngôn ngữ được biết, mà bằng ngôn ngữ thiên đàng. Và chúng ta hôm nay cũng cầu nguyện như vậy. Nhưng ngày hôm đó đã xảy ra phép lạ này: các tín đồ thực ra đã nói bằng tiếng lạ, còn mỗi một người có mặt ở đó lại nghe thấy những lời bằng tiếng mẹ đẻ của mình, vì thế nên có chép rằng: "mỗi người đều nghe các môn đồ nói tiếng xứ mình" (Công vụ 2:6). Trong câu 8 có chép "Vậy thì sao chúng ta nghe ai nầy đều nói tiếng riêng của xứ chúng ta sanh đẻ?". Mọi người có mặt ở đó đều nói với nhau: " chúng ta đều nghe họ lấy tiếng chúng ta mà nói những sự cao trọng của Ðức Chúa Trời" (câu 11).

Đây là phép lạ đầu tiên mà Đức Chúa Trời đã làm ra trong ngày Ngũ tuần: Ngài đổ đầy các tín đồ bằng Đức Thánh Linh. Phép lạ thứ hai: ban khả năng cầu nguyện tiếng lạ và tôn vinh Ngài bằng thứ tiếng lạ. Phép lạ thứ ba: khi các môn đồ cầu nguyện bằng tiếng lạ, Đức Chúa Trời đã thông giải sang các thứ tiếng của các dân đang tụ hội lại đó, để mỗi người có mặt đều nghe được bằng thứ tiếng mình, với thổ ngữ quê mình.

Các tín đồ được đầy dẫy Đức Thánh Linh và cầu nguyện tiếng lạ thường xuyên, đã tìm được đường đến với quyền năng siêu việt của Đức Chúa Trời. Lời cầu nguyện tiếng lạ ngày hôm nay cũng có sức mạnh lớn lao.

Trong sách Công vụ có nhiều thí dụ về việc các tín đồ trong Hội thánh ban đầu thời các sứ đồ đã tự do cầu nguyện và thờ phượng Chúa bằng tiếng lạ. Khả năng đó Chúa cũng đã ban cho chúng ta. Bạn lần cuối cầu nguyện tiếng lạ đã cách đây lâu chưa? Tại sao hôm nay lại không thử cầu nguyện và tôn vinh Chúa bằng tiếng lạ? Rồi bạn sẽ thấy ngày hôm nay của bạn sẽ diễn ra với thành công hơn nhiều.

 

Lời cầu nguyện của tôi cho ngày hôm nay

Lạy Chúa, con cảm ơn Ngài vì Ngài đã đổ đầy con bằng Đức Thánh Linh, và ban cho con khả năng cầu nguyện và tôn vinh Ngài bằng ngôn ngữ thiên đàng. Tâm linh con mong muốn được cầu nguyện và tôn thờ Ngài. Đôi lúc con không biết phải nói làm sao, làm thế nào diễn tả ý nghĩ và tâm trạng mình, để mở lòng mình, nhưng khi con cầu nguyện bằng tiếng lạ, lời cầu nguyện của con được trọn vẹn hơn. Con cảm ơn Chúa vì khả năng kỳ diệu này. Con mong muốn cầu nguyện và tôn thờ Ngài bằng tâm linh mình.

Nhân danh Chúa Jê-sus. A-men!

 

Lời tuyên xưng của tôi cho ngày hôm nay

Tôi đã được đổ đầy Thánh Linh và cầu nguyện thường xuyên bằng tiếng lạ. Vào thời điểm báp-têm Thánh Linh, Đức Chúa Trời đã ban cho tôi khả năng cầu nguyện bằng tiếng thiên thượng. Tôi không muốn bỏ qua cơ hội này, cho nên tôi sẽ cầu nguyện đều đặn bằng tiếng lạ. Kết quả là tôi sẽ tăng trưởng thuộc linh, trở nên ngày càng nhạy cảm với Đức Thánh Linh và Đức Chúa Trời sẽ hành động trong đời sống của tôi.

Tôi tuyên xưng điều này với đức tin trong danh Chúa Jê-sus.

 

Hãy suy ngẫm những câu hỏi sau đây

Bạn cầu nguyện bằng tâm linh thường xuyên chừng nào? Và bạn dành bao nhiêu thời gian cho lời cầu nguyện đó?

Điều gì xảy ra trong lòng bạn, khi bạn cầu nguyện bằng tâm linh. Bạn có thêm sức, thêm vui thỏa, thành công trong cuộc sống? Điều gì còn xảy ra, khi bạn cầu nguyện thường xuyên bằng tiếng lạ?

Nếu bạn còn chưa được báp-têm Thánh Linh và chưa cầu nguyện tiếng lạ, thì điều gì đang cản trở bạn hôm nay nhận được báp-têm Thánh Linh?

 

 


 

Chương mục dành cho ngày 09-07 từ quyển sách "Những viên ngọc từ tiếng Hy-lạp" do Mục sư Rick Renner là tác giả.

Dịch ra tiếng Việt bởi Quốc Hùng. Tinlanh.Ru

Trong thời gian tới, Tinlanh.Ru sẽ xin tiếp tục giới thiệu với các bạn những chương trích dẫn từ quyển sách đặc biệt này.

Xin thêm lời cầu nguyện và động viên cho công tác dịch thuật được tiến hành tốt đẹp.

Xin lưu ý tôn trọng bản quyền của tác giả và người dịch, tuyệt đối không sao chép.



© 1999-2017 Tinlanh.Ru