Cầu nguyện phải hết lòng

cau nguyen theo kinh thanh smallNhớ lại những ngày đầu đi theo Chúa, chúng tôi thời đó có nhiều điều bỡ ngỡ và mơ hồ lắm. Chưa có mục sư, chưa có sự chia sẻ Lời Chúa sâu nhiệm, nhóm tín hữu chúng tôi tại Mát-xcơ-va ban đầu vừa tập đi vừa mò mẫm những bước đầu theo Chúa, học đến đâu là nhắc nhau thực hành đến đó. Cảm ơn Chúa đấy chính là bí quyết Lời Chúa dạy và thời đó chúng tôi tình cờ học được, mà bây giờ thấy điều này lại là hòn đá lớn đối với nhiều người tin Chúa thời nay: hoặc là không có lòng học hỏi, hoặc là dù biết Lời Chúa nhưng không chịu làm theo ngay.

Gia-cơ 1:22 Hãy làm theo lời, chớ lấy nghe làm đủ mà lừa dối mình.

Một may mắn khác nữa cho chúng tôi, là đã biết sớm tập cầu xin để rồi nhận được sự trả lời của Chúa – điều này đã khiến chúng tôi vững được đức tin mà kiên quyết theo Ngài. Vì cũng trong sự cầu nguyện, chúng tôi học được cách tìm kiếm Chúa, khao khát sự ban cho của Ngài để trưởng thành lên rất nhanh chóng.

Vì chỉ khi ta cầu nguyện, và thấy được sự đáp lời, mới thấy rõ là Chúa Jê-sus Hằng Sống! Từ thời đó đến giờ, tôi vẫn ưa thích và nhắc đi nhắc lại với mọi người – là chúng ta không đi theo một tôn giáo, mà đi theo Đức Chúa Trời Hằng Sống. Nếu Chúa đang sống thì khi chúng ta kêu cầu Danh Ngài thì chúng ta sẽ được Chúa làm cho, theo như lời Ngài hứa trong Kinh thánh với những ai tin cậy Ngài. Nhiều cơ-đốc nhân không dám cầu nguyện và trông đợi, quên mất rằng chính Chúa đang muốn bày tỏ chứng cớ về Ngài là Đấng sống trong đời sống họ, giúp cho đức tin họ và cho cả thế giới này.

Giăng 14:13 Các ngươi nhân danh ta mà cầu xin điều chi mặc dầu, ta sẽ làm cho, để Cha được sáng danh nơi Con.

Cho nên bây giờ đi đâu tôi cũng động viên con cái Chúa tập cầu nguyện. Mặc dù chúng ta vẫn có thể nhờ Hội thánh cầu nguyện, và anh chị em Hội thánh nhất định sẽ cùng hiệp tâm cầu nguyện với mỗi nan đề được đưa lên, nhưng nếu người mới tin Chúa mà chỉ quen ỷ lại, không tập cầu nguyện cho mình, thì tự họ sẽ chẳng bao giờ tập đi, tập thở, tập tin cho chính mình.

Điều khôn ngoan nữa mà chúng tôi học được từ những ngày đầu tiên đó, là cần phải cầu nguyện và tin cậy Chúa cả những vấn đề nhỏ, thậm chí quá nhỏ tự mình cũng có thể làm được, và cả những vấn đề lớn, thậm chí quá lớn dường như không thể được. Vì thứ nhất là cả những vấn đề hoặc nhỏ, hoặc lớn – đối với Đức Chúa Trời đều là nhỏ như nhau.

Thứ hai – nếu điều nào dù quá nhỏ mà khiến chúng ta bận tâm thì cũng làm Đức Chúa Trời bận tâm và muốn giúp giải quyết, vì chúng ta là con cái rất yêu dấu của Ngài. Chúng tôi xin Chúa từ những việc nhỏ như đi mua sữa cho con kịp giờ, cho con biết thôi bú mẹ mà chuyển sang bú bình, hoặc khi mua sắm xin được Chúa dẫn dắt mua được đồ tốt và bền nhất.

Thứ ba, tập tin Chúa trong những việc nhỏ sẽ thành thói quen tốt là biết trông cậy Chúa trong mọi điều dù lớn dù nhỏ của cuộc sống hàng ngày. Nghe thì ai cũng A-men, mà không phải ai cũng đủ đức tin để làm được. Thí dụ phổ biến là việc tin Chúa gìn giữ che chở trong sự đi lại, nhiều người chỉ dám tự tin lúc có giấy tờ hộ khẩu (thế là không trông cậy Chúa) nhưng dù có họ đi lại vẫn bị xét hỏi làm phiền, còn những người đã tập cầu nguyện cả khi có giấy tờ cả khi không có đều đi lại thường xuyên và tự do đến được với Hội thánh mà không bị làm sao cả.

Thứ tư, trước khi tập tin được và cầu nguyện được những vấn đề lớn, phải qua những việc nhỏ. Nhưng cùng với sự lớn lên của đức tin – mà muốn đức tin lớn lên thì phải mơ và xin những điều với mình là không thể, để thấy với Đức Chúa Trời thì mọi điều là có thể. Mỗi lần hết lòng mơ và tin đến lúc hết lòng cầu xin và rồi chứng kiến điều mình tin đã thành hiện thực, thì mức đức tin của chúng ta sẽ phát triển vượt lên một mức bậc mới.

Như vậy, khi chúng tôi cầu nguyện, thì chúng tôi tin và trông đợi Đức Chúa Trời đáp lời, chứ không cầu nguyện chỉ để an ủi lương tâm mình hoặc người khác. Dù cho sự đáp lời có không giống như điều chúng tôi trông đợi, thậm chí có khi không nhận được trả lời, thì chúng tôi cũng may mắn hiểu được rằng đấy cũng là một cách đáp lời của Chúa.


cau nguyen theo kinh thanh

Thứ nhất, điều đó dạy chúng tôi không kiêu ngạo, vì chẳng có ai ngoại trừ Chúa Jê-sus có đủ đức tin và sự nhận biết Chúa  Cha mà cầu xin bất cứ điều gì cũng được cả. Cả sứ-đồ Phao-lô cũng từng cầu xin mà không được cho đến khi ông nhận được sự chỉ dạy của Chúa (2 Cô-rinh-tô 12:7-10).

Nếu Phao-lô, Gia-cơ, Phi-e-rơ còn có lúc cầu xin mà không nhận được để được bài học Chúa dạy, thì chúng ta là ai mà dám khẳng định rằng mình xin gì được nấy? Chẳng thà tôi nhận tôi còn nhiều điều chưa biết, chưa tỏ, chưa rõ, chẳng thà tôi hạ mình xuống nhu mì, còn hơn tư tưởng về mình cao quá lẽ để cuối cùng “trèo cao ngã đau”. Vì ma quỉ có thể có và cho điều rất giống điều ta xin, nhưng cuối cùng sẽ là nguyên nhân đem lại sự đau đớn.

Thứ hai, sự đáp lời tưởng như chậm (thực ra Chúa không bao giờ chậm, mà chỉ có đúng lúc), dạy cho chúng tôi biết nhịn nhục, là đức tính đầu tiên và được kể đến trong tình yêu thương chân thật - là bản tính của Đức Chúa Trời, và cũng điều quan trọng hàng đầu trong phẩm chất của một người hầu việc Chúa chân chính, thậm chí còn được đặt trước cả các phép lạ trong chức vụ nữa (2 Cô-rinh-tô 12:12). Không có nhịn nhục thì không có tình yêu thương thật, và cũng không có chức vụ hầu việc Chúa thật.
Hê-bơ-rơ 6:12 đến nỗi anh em không trễ nải, nhưng cứ học đòi những kẻ bởi đức tin và lòng nhịn nhục mà được hưởng lời hứa.

Thứ ba, mỗi lần không nhận được, lại là một lần chúng tôi càng được khích lệ để tìm kiếm học hỏi và sửa đổi mình, vì chúng tôi cũng may mắn hiểu được rằng có những lúc cầu nguyện theo tư dục, hoặc cầu nguyện trái ý Chúa thì sẽ không nhận được.

Gia-cơ 4:3 Anh em cầu xin mà không nhận lãnh được, vì cầu xin trái lẽ, để dùng trong tư dục mình.

Nhưng khi chúng ta đã tìm hiểu học được ý Chúa liên quan đến vấn đề mình cầu xin rồi, thì lúc đó chính chúng ta sẽ thay đổi và sửa mình theo ý Chúa. Và một khi đã rõ ý Chúa rồi thì sẽ bám vững mà chiến đấu cho đến cùng.

1 Giăng 5:14 Nầy là điều chúng ta dạn dĩ ở trước mặt Chúa, nếu chúng ta theo ý muốn Ngài mà cầu xin việc gì, thì Ngài nghe chúng ta.

Trong việc cầu nguyện, chúng tôi còn may mắn học được cách cầu nguyện hết lòng cùng nhau, chứ không chỉ “nói lời cầu nguyện” như một số người các nơi “truyền thống” khác. Khi anh chị em nhóm lại cùng cầu nguyện, là dốc đổ hết sự lòng mình ra trước Chúa, hết lòng sốt sắng mà chiến đấu, vì: “người công bình lấy lòng sốt sắng cầu nguyện, thật có linh nghiệm nhiều.” (Gia cơ 5:16)

Thật ngạc nhiên tôi vẫn thấy những người cầu nguyện nửa vời, thậm chí ngay cả khi vấn đề liên quan chính mình họ hoặc người thân của họ. Họ tưởng rằng có thể vừa ăn vừa chơi và vừa cầu nguyện mà chiến thắng được ma quỉ sao? Không, cầu nguyện là chiến đấu, là sống mái với kẻ thù, để cứu được người thân của mình. Cảm thấy cần dốc sức, kiêng ăn, khóc lóc, thì dốc sức, kiêng ăn, khóc lóc.

Cầu nguyện cũng là một công việc nặng thực sự, nhưng phần thưởng nó giá trị gấp bội những điều đời thường có thể mang lại.

Vậy mà chính những người lười và không biết hết lòng cầu nguyện đó khi có chuyện là lại rất nhanh chóng trách Chúa, trách Hội thánh và những con cái Chúa khác. Để đến lúc có chuyện động đến chính họ, lúc đó họ mới thấy hối tiếc là không tập chiến đấu trong đức tin và cầu nguyện lúc này khi đang có thời gian thanh bình. Cơ bắp thuộc linh, cánh cửa cơ hội, kênh dẫn phước hạnh – đều phụ thuộc vào đức tin và lời cầu nguyện của người tin Chúa.

Hãy nhớ lại mà xem, khi Đức Chúa Trời tạo dựng nên thế gian này, Ngài có tốn sức lắm không? Chúa chỉ cần phán, và mọi sự được thành, vững chãi bao đời cho đến tận ngày nay. Chẳng hề gắng sức, chẳng phải đổ một giọt mồ hôi. Còn hình ảnh khác, khi Chúa Jê-sus cầu nguyện trong đêm trước khi Ngài lên thập tự giá, để cứu chuộc con người và hủy phá công việc của ma quỉ, Ngài đã phải cầu nguyện như thế nào? Khẩn thiết, lặp đi lặp lại, cần phải cả sự tiếp sức của thiên sứ, Ngài dốc sức đến nỗi mồ hôi đổ ra như những giọt máu, đúng không? (Lu-ca 24:22).

Nếu Con Trời đã phải chiến đấu như vậy trong cầu nguyện, thì con người chúng ta càng phải cố gắng đến đâu? Cứ nhìn những người cầu nguyện thờ ơ nửa vời là tôi lại muốn kêu lên với họ, như họ đang ngủ gật trên vô lăng lái xe trên đường vậy.

Điều đặc biệt may mắn nữa mà chúng tôi học được ngay từ ban đầu, khi cầu nguyện là chúng ta tương giao trò chuyện với Đức Chúa Trời, bởi tâm linh của chúng ta đã được Chúa tái sinh và thanh tẩy. Như một đứa trẻ sinh ra phải thở, thì mỗi lần trò chuyện tâm sự với Đức Chúa Trời ta sẽ được tiếp thêm sự tươi mới từ Thánh Linh Ngài, khiến linh hồn chúng ta được sức sống từ thiên thượng. Con người được tạo nên để được tương giao với Đức Chúa Trời, như ban đầu A-đam và Ê-va được hàng ngày đi dạo cùng Chúa trong vườn địa đàng, trong môi trường độc hại đầy tội lỗi ngày hôm nay thì đó càng là một nhu cầu thiết yếu.

Nhiều anh chị em muốn cầu nguyện tìm kiếm ý Chúa, mà chưa bao giờ bắt đầu thử tương giao với Ngài trong những giờ tĩnh nguyện của mình cả. Đấy là lúc ta đến không phải vì muốn xin điều gì, mà chỉ đến để gần Chúa và tập bắt đầu trò chuyện tâm sự và lắng nghe Chúa.

Đấy là bước trưởng thành, sau khi anh chị em đã kinh nghiệm cầu nguyện nhận được sự đáp lời (thậm chí cả phép lạ), thì cầu nguyện tương giao với Chúa là mức cao hơn cả. Nó mới thực sự là đích của đời sống cầu nguyện riêng mỗi con người, để nhận sự tỏ ra của Ngài, và sự dẫn dắt của Chúa cho đời sống mình.

Để gặp Chúa nơi chí thánh của Ngài, và nhận biết Ngài. Như là chúng ta được chiêm ngưỡng Chúa trong sự bày tỏ của Đức Thánh Linh, để chính mình được biến đổi càng trở nên giống Đấng Christ. Chúng ta hát vậy mà ai đã bắt đầu đến gần Chúa với thái độ như vậy? Nó bắt đầu từ thái độ hết lòng khao khát đến gần Chúa, coi mọi sự như là sự lỗ. Phao-lô dạy rằng mỗi người chúng ta muốn trọn vẹn phải có tư tưởng đó (Phi-líp 3:8-10;15).

Những điều tôi chia sẻ này tuy ngắn gọn, không nhiều những trích dẫn Kinh thánh, nhưng thật sự là những đúc kết từ những điều Chúa dạy, để anh chị em cũng bắt đầu thực hành cầu nguyện và vươn đến với Đức Chúa Trời. Anh chị em hiểu được đến đâu thì hãy làm theo đến đó, và ghi nhớ lại để có hướng cho mình phát triển sau này.

Không có gì mạnh mẽ, bền vững và đầy phước hạnh bằng một con người biết kết nối với Đức Chúa Trời qua tấm lòng biết hết lòng cầu nguyện. -

 

Ms Quốc Hùng



© 1999-2017 Tinlanh.Ru