Người Việt với Ông Trời

Article Index


Người Việt hiểu biết về "Ông Trời" chưa đầy đủ
Giống như nhiều dân tộc khác trên thế giới, sự nhận biết về Ðức Chúa Trời có thể nói là một thứ nguyên tri tự nhiên mà Ông Trời ban cho nhân loại. Dân tộc nào cũng có chữ Ông Trời hay Ðấng Tạo Hoá trong ngôn ngữ mẹ đẻ của mình.
Thật vậy, khi nhìn xem vạn vật, thiên nhiên, với cảnh trí đẹp đẽ tuyệt vời, với không gian bao la vô tận, với sự cấu tạo tinh vi, diệu kỳ, muôn hình vạn trạng, với qui luật bốn mùa xuân hạ thu đông trật tự chính xác vô cùng, với bản năng lạ lùng bất biến của các loài vật... rồi nhìn lại con người với thân thể kỳ diệu, với mầu nhiệm sinh sản, với tình cảm thiêng liêng, với những giá trị tinh thần, với những kinh nghiệm về qui luật đạo đức trải qua các đời, với ý chí tự do lựa chọn... cùng với bao nhiêu chứng cớ khác nữa trong cuộc sống, người ta phải thừa nhận có Ðấng Tạo Hóa, có Ông Trời. Chính Ông Trời đã tạo dựng nên tất cả, Ngài đang điều khiển, bảo tồn tất cả những qui luật thiên nhiên và đạo đức trên thế giới nầy.
Nhưng thiên nhiên chưa đủ để con người biết rõ về thuộc tánh, ý muốn và chương trình vĩnh cửu của Ðức Chúa Trời. Bởi trong thực tế khi nhìn thiên nhiên có người suy luận hữu thần, có người suy luận phiếm thần, hoặc có người suy luận đa thần, thậm chí cũng có người suy luận vô thần. Thiên nhiên chưa đủ để người ta biết rõ Ðức Chúa Trời thực hữu độc lập với các tạo vật do Ngài dựng nên và Ngài là Chân Thần Duy Nhất.
Người Việt biết có Ông Trời nhưng chưa biết Ðức Chúa Trời là Chân Thần, là Ðấng Tạo Hoá duy nhất tối cao.
Người Việt biết Ông Trời có bản tính công bình nhưng chưa biết Ðức Chúa Trời là Ðấng đầy ân điển và yêu thương.
Người Việt tin mệnh Trời không ai thay đổi được, kể cả số phận của mỗi người cũng được an bài, nhưng người Việt chưa biết Ðức Chúa Trời là Ðấng tôn trọng ý chí tự do của con người và là Ðấng hay thưởng cho kẻ tìm kiếm Ngài.
Người Việt biết mình cần ăn hiền ở lành, nhưng không biết rằng tất cả những việc lành mình làm dù cao quí vẫn còn thiếu hụt, không thể sánh với tiêu chuẩn trọn lành Ðức Chúa Trời đòi hỏi, chẳng khác nào ngọn đèn cầy đem so với ánh mặt trời. Người Việt cần đón nhận chân la của Chúa để bù đắp cho sự thiếu hụt của mình.
Người Việt biết nguyên tắc "Thiện ác đáo đầu chung hữu báo" nhưng không biết căn nguyên của mọi nỗi đau khổ bất hạnh trong cuộc đời là do tội lỗi loài người xây lưng phản nghịch lại với Ðức Chúa Trời. Người Việt cần trước hết được Chúa tha tội.
Người Việt biết mình cần được cứu rỗi và đã khổ công đi tìm sự cứu rỗi nhưng chưa biết con đường cứu rỗi duy nhất là chương trình do Đức Chúa Trời vạch sẵn đã được thực hiện bởi Con Ngài là Chúa Giê-xu. Người Việt cần đặt đức tin nơi sự toàn năng, toàn tri, toàn thiện, toàn mỹ của một Ðức Chúa Trời chân thật. Nhiều niềm tin của người Việt về Ông Trời rất gần với Thánh Kinh, nhưng chưa đầy đủ.
Một số người do không biết Thánh Kinh nên cứ tưởng Ông Trời là hình ảnh Ngọc Hoàng Thượng Ðế tưởng tượng của người Trung Hoa. Thậm chí có người tin chuyện Tề Thiên Ðại Thánh là thật, theo đó Ngọc Hoàng Thượng Ðế cũng chịu thua Tôn Ngộ Không...
Chính vì thế mà người Việt chúng ta cần có sự mạc khải đặc biệt, đúng đắn, trực tiếp từ Ðức Chúa Trời. Sự mạc khải đặc biệt nầy chỉ có thể tìm được trong Thánh Kinh và qua Chúa Cứu Thế Giê-xu.

"Việt Nam, quê hương tôi."
Người Việt Nam là dân tộc có tình cảm thiên phú thật nồng thắm, thiêng liêng sâu sắc. Nét độc đáo của đất nước và con người Việt Nam chỉ có trái tim hồng Việt Nam mới cảm nhận ra. Tình yêu quê hương, tình bà con, tình láng giềng, sự tự hào dân tộc, sự trung thành, lòng chung thủy, tình nghĩa vợ chồng, ơn cha nghĩa mẹ công thầy. Kho tàng ca dao, tục ngữ, nguồn thi văn phong phú, giọng nói ba miền Nam Trung Bắc, ngôn ngữ đơn thanh mà đa nghĩa, câu nói lái tài tình, câu thơ lục bát, sáu câu vọng cổ, câu vè, tiếng hò, tiếng sáo, tiếng đàn bầu, bài ca Quan Họ, chuyện cổ tích, bài ca tân cổ giao duyên. Những âm thanh quen thuộc như tiếng chày giã gạo, tiếng gà gáy, tiếng chim cu mùa hạ, tiếng vịt kêu ngoài đồng, tiếng ếch nhái trong đêm, tiếng khóc trẻ thơ, tiếng ầu ơ ru con. Những hình ảnh thân thương như mồ mã ông bà, mái trường làng, chiếc cầu treo, sân đình cũ, bến đò xưa, sân đạp lúa, con trâu, con bò, con lợn, cây đa, cây dương liễu, cây tre, cây mía, cây dừa, cây cau, trái khế, trái mít, trái ổi, trái vú sữa, trái sầu riêng, trái nhãn lồng. Những khung cảnh quen thuộc như vườn bắp, đồng lúa, khu chợ làng, mái nhà tranh, ngôi nhà ngói, con đường cái quan, hồ cá, con sông, con suối, dãy Trường Sơn, bờ biển dài cát trắng, chiếc ghe buồm lướt sóng. Những món ăn thuần túy như tô cơm trắng, ly nước trà, chén nước mắm, tô phở Bắc, tô mì Quảng, tô bún bò Huế, tô canh chua, chiếc bánh tráng, táng đường, cây kẹo gừng, con cá nục, cá ngừ, cá lóc, cá rô. Chiếc áo dài, chiếc áo bà ba, cái nón lá, mái tóc dài người phụ nữ. Ðám hỏi, đám cưới, đám tang. Ngày Tết.
Thiết tưởng nhắc đến bấy nhiêu hình ảnh cũng đủ để nói lên nét đặc thù thắm thiết Việt Nam. Ðó là những sợi chỉ điều thiêng liêng đã từng liên kết bao nhiêu thế hệ người Việt Nam, những người đã và đang sống trên mảnh đất quê hương còn nghèo nàn, từng kinh qua gian khổ của chiến tranh, loạn lạc, ghi đậâm dấu tích của bao đời kiên cường chịu đựng, nhưng vẫn cứ phấn đấu để vươn lên trong lạc quan tin tưởng và hy vọng.
Hai chữ quê hương càng ngọt ngào thấm thía hơn biết bao trong tâm tưởng của mọi người Việt tha hương vì lý do nầy hay lý do khác.
Một nhạc sĩ Việt Nam, nỗi tiếng với những bài dân ca và tình ca đằm thắm tình tự dân tộc, đã tóm gọn tình cảm, tài năng của mình trong câu nói: "Ông Trời đã sinh ra tôi như thế! Rồi khi trả lời câu hỏi "Mai sau dù có bao giờ?" ông đáp: "Tôi muốn được mọi người nhớ đến như một người Việt Nam!" Thiết tưởng đây cũng là câu nói phản ánh cái triết lý tâm linh tình cảm của mọi người mang dòng máu Việt Nam. Người Việt và Ông Trời có mối quan hệ thiết thân.

=========================


© 1999-2017 Tinlanh.Ru