Bánh lái cuộc đời

banh-lai-cuoc-doi
 

Gia-cơ 3
2 Tất cả chúng ta đều vấp phạm nhiều cách. Ai không vấp phạm trong lời nói, đó là người trọn vẹn, có thể kiềm chế được cả thân thể mình.
3 Nếu chúng ta tra hàm thiếc vào miệng ngựa để bắt chúng vâng lời thì chúng ta điều khiển được toàn thân chúng.
4 Hãy nhìn những chiếc tàu: Dù chúng thật lớn và bị trôi giạt bởi gió mạnh, nhưng chỉ một bánh lái rất nhỏ cũng đủ điều khiển chúng theo ý người cầm lái.
5 Cũng vậy, cái lưỡi là một bộ phận nhỏ nhưng khoe khoang những việc lớn.
(Bản TTHD 2010)

Một quyền lực vô hình được sử dụng thường xuyên nhất, làm được nhiều việc lành nhất, và cũng bị lạm dụng vào việc xấu nhiều nhất vì ít ai nhận thức được sức mạnh thực của nó – đấy là quyền lực của lời nói.

Sứ đồ Gia-cơ trong đoạn Kinh thánh trên đã so sánh cái lưỡi như bánh lái của cuộc đời con người. Như vậy có phải là ông đã nói quá không?

Còn nhớ, khi còn là người vô thần, lần đầu tiên cầm quyển Kinh thánh mở ra từ những trang đầu trong Sáng thế ký, tôi để ý đến những câu lặp đi lặp lại ... "Đức Chúa Trời phán rằng – phải có sự sáng – thì có sự sáng... Đức Chúa Trời phán rằng: phải có... thì có như vậy... Ngay lập tức, liên tưởng đầu tiên đến trong đầu là – à, mình đang đọc truyện cổ tích... Quen với môi trường tự nhiên, phản ứng thông thường của con người với những định luật thế giới tâm linh là "điều hoang tưởng".

Bây giờ, đến với Chúa và có được đức tin, tôi mới ý thức được rằng đây là một trong những định luật thuộc linh cực kỳ quan trọng, mà Đức Chúa Trời đã bày tỏ cho chúng ta ngay từ đầu Kinh thánh. Nắm được định luật này, tránh được vấp phạm trong lời nói – bạn sẽ cầm lái vững chắc được cho con thuyền đời mình đi đúng hướng, chứ không để cho nó phải chịu trôi nổi lang thang theo mỗi luồng gió đổi chiều của cuộc sống.

Buổi sáng thế, Đức Chúa Trời sáng tạo ra thế giới vật chất này đã dùng lời để phán. Ngài phán rằng... thì có như vậy... Lời Chúa phán có quyền năng sáng tạo, từ những gì chưa có sẽ thành có y như lời Chúa phán vậy.

Mà con người thì được tạo dựng nên giống như Đức Chúa Trời. Giống về thể xác những điểm nào thì khó mà nói chắc được bây giờ, phải đợi đến khi lên thiên đàng gặp Chúa đã. Nhưng về mặt tâm linh, con người chắc chắn có nhiều điểm được thừa kế từ việc được giống Đấng Tạo hóa. Một trong những đặc tính "di truyền" mà chúng ta thừa hưởng từ Cha thiên thượng là quyền phép sáng tạo của những lời mình nói. Những lời nói dù vô hình, nhất định sẽ tạo nên kết quả hữu hình, dù đó là tốt hay xấu đi chăng nữa.

Để giúp bạn tiếp nhận được sự bày tỏ của chân lý này, mời bạn trước tiên hãy thử nhìn xem, có loài tạo vật nào khác cũng biết nói nữa không? Duy nhất loài người có tư duy và ngôn ngữ (tiếng nói) mà thôi.

Thêm nữa, không ai có thể phủ nhận sự thật là lời nói có tác động vô cùng lớn, cả tốt lẫn xấu.

Chuyện kể rằng có một triết gia Hy-lạp (tên là Ê-sốp) khi còn phục vụ cho một nhà quí tộc, được chủ sai đi mua những đồ ăn tốt nhất làm tiệc đãi khách, đã ra chợ mua toàn lưỡi về làm ra các món khác nhau. Khi người chủ hỏi vì sao, ông đáp: "Lưỡi là chìa khoá tất cả những lý lẽ, học vấn và sự thật, nhờ nó mà con người có được địa vị cao sang, được người khác kính trọng. Chẳng phải nó là quí nhất hay sao?"

Nghe vậy, người chủ hứng chí liền sai ông hôm sau đi chợ mua những món ăn dở nhất. Ê-sốp lại đem về vẫn là món lưỡi, và nói rằng lưỡi cũng là cái xấu xa nhất trên đời. "Ðó là mẹ của những sự tranh cãi, vú nuôi của những vụ kiện tụng, nguồn gốc của chia rẽ và chiến tranh. Nếu cái lưỡi là cơ quan nói ra sự thật, thì nó cũng nói lên sự sai lầm và tệ hơn là sự vu khống, nói những điều bất nghĩa bất nhân."

Vậy đấy, rất cần là chúng ta phải nhận thức ra quyền phép vô hình đang không ngừng hành động qua những lời ở miệng lưỡi của mình. Quyền phép sáng tạo, có thể làm ra sự sống, hoặc gieo rắc cái chết. Và quyền kiểm soát lựa chọn là ở chính chúng ta!

Châm ngôn 18
20 Bụng người sẽ được no nê bông trái của miệng mình; Huê lợi môi miệng mình sẽ làm cho người no đủ.
21 Sống chết ở nơi quyền của lưỡi; Kẻ ái mộ nó sẽ ăn bông trái của nó.

Trong những bài sau này, chúng ta sẽ học cách tránh những lời không đáng nói, và tập sửa dụng quyền phép sáng tạo của những lời đức tin...

 

Ms Quốc Hùng
10.03.2013

 

Xin trích một đoạn trong sách "đức tin năng động" của Ms Yonggi Cho

 

Sức mạnh sáng tạo của lời nói

 

Chúng ta cần tuân theo những bước vững chắc để đức tin của chúng ta đươc ấp ủ đúng mức, và chúng ta cũng cần học biết về lĩnh vực đức tin hoạt động và có một quyền căn bản về lời nói mà chúng ta cần hiểu rõ nữa. Vì thế tôi muốn nói về sức mạnh sáng tạo của lời nói và những lý do tại sao xử dụng lời nói có tầm quan trọng rất lớn.

Một buổi sáng nọ, tôi dùng điểm tâm với một trong những nhà phẫu thuật thần kinh (neurosurgeon) nổi tiếng ở Triều Tiên, ông ta nói cho tôi biết về những công trình, những khám phá mới của y học về việc giải phẫu não bộ. Ông hỏi,"Tiến sĩ Cho Yonggi ơi, ông có biết rằng trung tâm ngôn ngữ ở trong bộ óc chi phối toàn bộ hệ thống thần kinh của cơ thể không? Chức vụ ông thật sự có quyền năng vì theo những khám phá mới đây của chúng tôi về thần kinh, thì trung tâm ngôn ngữ trong óc chi phối toàn bộ những giây thần kinh khác".

Tôi cười và nói:"Chúng tôi biết điều đó từ lâu rồi".

Ông hỏi:"Làm sao ông biết được? Đây là những khám phá mới của thần kinh học cơ mà!"

Tôi trả lời rằng tôi đã học từ Tiến sĩ James (Gia-cơ).

"Tiến sĩ James nào?"Ông hỏi.

Ông ấy là một trong những bác sĩ nổi tiếng thời Kinh Thánh cách đây gần hai ngàn năm, tôi trả lời, và trong sách của ông, Thơ Giacơ, chương ba, vài câu đầu, tiến sĩ Giacơ đã định nghĩa rõ ràng về hoạt động và tầm quan trọng của lưỡi và trung tâm ngôn ngữ.

Nhà phẫu thuật thần kinh hoàn toàn kinh ngạc."Ủa Kinh Thánh thật có nói về những điều ấy à?"

"Vâng, đúng thế", tôi trả lời."Cái lưỡi là chi thể nhỏ nhật trong cơ thể của chúng ta, nhưng nó lại điều khiển toàn bộ thân thể".

Bấy giờ nhà phẫu thuật thần kinh này bắt đầu giải thích những khám phá của họ. Ông nói rằng trung tâm thần kinh điều khiển lời nói ở bộ óc có quyền trên toàn thân thể đến nỗi chỉ dùng lời nói, một người có thể điều khiển thân thể của mình, để vận dụng thân thể mình theo ý muốn. Nếu một người cứ liên tục nói,"Tôi yếu dần đi", thì ngay lập tức, tất cả hệ thống thần kinh nhận mệnh lệnh chúng và chúng nói,"Ồ, chúng ta hãy sửa soạn làm cho yếu đi, vì chúng ta nhận mệnh lệnh từ trung ương bảo chúng ta càng lúc càng yếu". Rồi theo kết quả tự nhiên, hệ thống thần kinh điều khiển cho cơ thể yếu đi. Nếu có ai nói,"Chà tôi không có khả năng. Tôi không làm được việc này". Ngay lập tức, các dây thần kinh tuyên bố y như thế. Chúng nói:"Chúng ta nhận được mạng lệnh từ trung tâm thần kinh bảo rằng chúng ta không có khả năng, vậy hãy thôi mọi cố gắng để có khả năng. Chúng ta phải chuẩn bị chính mình để góp phần vào việc tạo thành một người bất năng". Nếu người nào cứ nói:"Tôi già rồi, tôi già quá rồi, tôi rất mỏi mệt, không thể làm được việc gì", thì ngay lúc ấy, trung tâm đìều khiển ngôn ngữ đạp ứng cho ra các mạng lệnh để đưa đến kết quả ấy. Hệ thống thần kinh trả lời,"vâng chúng ta già rồi, chúng ta sắp vào nghĩa địa. Chúng ta hãy chuẩn bị phân tán đi!"nếu người nào nói mình già rồi chẳng bao lâu sẽ chết.

Nhà phẫu thuật thần kinh đó tiếp tục nói, người đó chẳng nên về hưu. Một người khi về hưu, cứ lập lại,"Tôi hưu rồi"và hệ thống thần kinh của người đó sẽ bắt đầu đáp ứng mệnh lệnh và trở nên kém hoạt động, và chuẩn bị cho cái chết đến nhanh chóng mà thôi".
...

 



© 1999-2017 Tinlanh.Ru