Bạn Sống Vì Ai?

Article Index

taytrongtayĐây là một câu hỏi động chạm đến tận gốc rễ thái độ sống của bạn, và nó quyết định việc bạn có tìm được hạnh phúc và thành công hay không.
Khi còn là một đứa trẻ, cảm tưởng như là chúng ta chỉ sống cho mình, và mọi người xung quanh phải quan tâm chăm sóc chúng ta. Nhưng khi ta càng lớn lên, thì đến một lúc nào đó ta phải nhận thức ra được rằng không thể chỉ sống vì một mình mình mà hạnh phúc được. Thí dụ rõ ràng như khi đôi bạn trẻ quyết định đi đến hôn nhân, và gắn bó cuộc đời của mình với nhau, thì tức là họ quyết định không chỉ sống vì bản thân mình nữa rồi.


Dần dần, chúng ta phải đi đến một nhận thức rằng cuộc sống mà Đức Chúa Trời ban cho chúng ta đây không thể sống theo cách chỉ mình sống cho mình, chỉ nghĩ đến mình mà có hạnh phúc được, mà chúng ta phải sống vì ai khác nữa.
Đối với những ai đang yêu, điều này là hiển nhiên và nhất định họ sẽ nói – ôi, được sống cho người khác, được đem những cái tốt nhất của mình, những mặt mạnh mình có để chăm sóc và đáp ứng nhu cầu của người mình yêu thì mới là hạnh phúc. Có phải đó là yêu cầu hiển nhiên để có được hạnh phúc gia đình không?
Cho nên, câu hỏi “bạn sống vì ai?” là động chạm đến thái độ sống của mỗi chúng ta. Phải có thái độ sống như thế nào để được phước. Đây chính là vấn đề chìa khóa mở cánh cửa vào phước hạnh.
Có những con người có thể lớn tuổi đời mà vẫn không hiểu được điều này, họ đến với hôn nhân cũng là để được lợi điều này được điều kia, và họ chỉ lo đòi hỏi cho bản thân. Trong những gia đình như vậy luôn có sự xích mích và tranh chấp. Đơn giản vì họ chưa học được cách sống vì người khác.
Trong Hội thánh cũng như vậy thôi, có những con cái Chúa đến với Chúa đến với Hội thánh là hết lòng muốn xây dựng và đóng góp cho công việc Chúa, cho Hội thánh và cho anh chị em mình trong đức tin. Những con người đó thực sự là ngọn đèn tỏa sáng cho ai nấy được động viên, an ủi, thêm vui, thêm hy vọng, thêm niềm tin khi gặp họ.
Còn có một số người khác đến với Hội thánh với thái độ để mà hưởng thụ. Có người thậm chí còn để cái tôi ích kỷ của mình quậy phá gây hại đến cho công việc Chúa, tổn hại đức tin của những người khác nữa.
Vấn để này cần được nói ra không phải để làm ai đó buồn, nhưng để đánh thức cái tiềm ẩn trong lòng mỗi một người tin Chúa, đó là một tấm lòng mới, một trái tim mới có thể đồng cảm và đồng lòng một cách sống và cách nghĩ của Chúa Jê-sus, tức là biết sống vì người khác, sống biết nghĩ đến nhu cầu của người khác, sống phục vụ, sống hy sinh.
Còn nếu chúng ta chỉ lo sống cho mình, cho cái tôi ích kỷ của mình thôi, thì sẽ không bao giờ hạnh phúc, không bao giờ thấy mình được thỏa mãn. Bởi vì cái tôi xác thịt của con người bao giờ cũng sẽ nói: “không đủ”! Lòng tham trong con người chẳng bao giờ biết đến chữ “đủ” cả.
Châm ngôn 17:20 “Con mắt loài người chẳng hề chán, Cũng như âm phủ và vực sâu không hề đầy vậy.”
Vậy cho nên nếu chúng ta luôn thấy mình cô đơn bất hạnh, luôn bực bội và khó chịu, không hài lòng với bản thân và với người xung quanh, thì chúng ta phải xem lại mình, có phải mình đang sống vị kỷ quá không?
Vì người nào sống nghĩ đến người khác, biết quan tâm chăm sóc người khác, sẽ chẳng có thời gian mà cô đơn. Chẳng có thời gian ngồi nhà một mình bị gặm nhấm bởi sự buồn chán.
Cho nên hiểu được điều này thì chúng ta mới có thể hiểu được câu Kinh thánh nói ”ban cho thì có phước hơn là nhận lãnh”
Công vụ 20:35  Tôi từng bày bảo luôn cho anh em rằng phải chịu khó làm việc như vậy, để giúp đỡ người yếu đuối, và nhớ lại lời chính Đức Chúa Jêsus có phán rằng: Ban cho thì có phước hơn là nhận lãnh.
Chúng ta hãy nhớ lại rằng con người chúng ta được tạo dựng nên theo hình tượng chính Đức Chúa Trời. Mà Đức Chúa Trời là tình yêu thương, và tình yêu thương thì không phải là chỉ yêu bản thân mình (mặc dù chúng ta cũng phải biết yêu bản thân mình thì mới yêu được người khác). Tình yêu thương bao giờ cũng cần đối tượng để yêu thương, để chăm sóc, để chia xẻ cái tốt nhất mình có, tóm lại là để ban phát tình yêu của mình, và khi đó chúng ta mới thấy bản thân mình có giá trị và cuộc sống mới thực sự có ý nghĩa.
Trong một lần cách đây không lâu trên đường đi dưới Metro (tàu điện ngầm), tôi được chứng kiến một sự việc sau. Đó là khi đang đi ngang qua lối cầu thang chuyển từ nhà ga này sang nhà ga khác, tôi thấy một đám đông đang tụ tập lại bên cầu thang, và giữa đám đông đó là một ông cụ nằm dài và vẻ mặt như là đang ngất đi hoặc đã lìa đời. Cùng đi với ông là một bà cụ, và khi đi ngang qua tôi thoáng nghe thấy một câu mà bà đang nói và đang giải thích gì đó với những người công an, chỉ thoáng nghe thôi nhưng thấy thật chạnh lòng. Bà nói “chúng ta bây giờ thì còn ai cần đến nữa”!
Ai trong số chúng ta muốn về già có một kết cục như vậy không, khi mà mình chẳng cần cho ai nữa cả?
Có phải chăng là cứ tiếp tục sống ích kỷ thì đến một lúc nào đó chúng ta sẽ chẳng cần đến cho ai nữa?
Kinh thánh dạy chúng ta sống ban cho là như vậy, ban cho là có phước hơn nhận lãnh, sống biết nghĩ đến người khác, phục vụ người khác, là được phước. Trong quan hệ gia đình – đây là then chốt, trong quan hệ công việc ở nơi làm việc – đây cũng là then chốt, trong quan hệ ở nơi ở giữa hàng xóm láng giềng, trong xã hội, trong Hội thánh – đây cũng là then chốt.



© 1999-2017 Tinlanh.Ru