Anh chị em thân mến, là con cái Chúa và cũng là công dân Thiên quốc, chúng ta cần tìm hiểu về những nguyên tắc nền tảng của nước Đức Chúa Trời. Trong loạt bài giảng này, chúng ta sẽ cùng học “bài giảng trên núi” của Chúa Jê-sus. Thời Cựu ước, tại chân núi Si-nai, dân Y-sơ-ra-ên đã có Môi-se lên núi nhận mười điều răn, và sau đó là luật pháp cho dân sự, để thành một nước, một dân của Đức Chúa Trời.
Thời Tân Ước, “bài giảng trên núi” của Chúa Jê-sus cho dân chúng cũng có tầm quan trọng giống như vậy, như bản tuyên ngôn về luật pháp của nước Đức Chúa Trời cho thời đại ân điển, thời đại Hội thánh, mà chúng ta đang sống.
1 Ðức Chúa Jêsus xem thấy đoàn dân đông, bèn lên núi kia; khi Ngài đã ngồi, thì các môn đồ đến gần. 2 Ngài bèn mở miệng mà truyền dạy rằng:
3 Phước cho những kẻ có lòng khó khăn, vì nước thiên đàng là của những kẻ ấy!
4 Phước cho những kẻ than khóc, vì sẽ được yên ủi!
5 Phước cho những kẻ nhu mì, vì sẽ hưởng được đất!
6 Phước cho những kẻ đói khát sự công bình, vì sẽ được no đủ!
7 Phước cho những kẻ hay thương xót, vì sẽ được thương xót!
8 Phước cho những kẻ có lòng trong sạch, vì sẽ thấy Ðức Chúa Trời!
9 Phước cho những kẻ làm cho người hòa thuận, vì sẽ được gọi là con Ðức Chúa Trời!
10 Phước cho những kẻ chịu bắt bớ vì sự công bình, vì nước thiên đàng là của những kẻ ấy!
11 Khi nào vì cớ ta mà người ta mắng nhiếc, bắt bớ, và lấy mọi điều dữ nói vu cho các ngươi, thì các ngươi sẽ được phước. 12 Hãy vui vẻ, và nức lòng mừng rỡ, vì phần thưởng các ngươi ở trên trời sẽ lớn lắm; bởi vì người ta cũng từng bắt bớ các đấng tiên tri trước các ngươi như vậy.
13 Các ngươi là muối của đất; song nếu mất mặn đi, thì sẽ lấy giống chi mà làm cho mặn lại? Muối ấy không dùng chi được nữa, chỉ phải quăng ra ngoài và bị người ta đạp dưới chơn.
14 Các ngươi là sự sáng của thế gian; một cái thành trên núi thì không khi nào bị khuất được:
15 cũng không ai thắp đèn mà để dưới cái thùng, song người ta để trên chơn đèn, thì nó soi sáng mọi người ở trong nhà. 16 Sự sáng các ngươi hãy soi trước mặt người ta như vậy, đặng họ thấy những việc lành của các ngươi, và ngợi khen Cha các ngươi ở trên trời.

Lòng khó khăn - nên hiểu là sự đói khát trong tâm linh, thôi thúc chúng ta tìm kiếm Chúa và chân lý của Ngài.
Than khóc - không chỉ là sự than van khóc lóc vì gian nan đau khổ, mà còn là khi ta biết mình yếu đuối, lực bất tòng tâm trong những mong ước tốt lành.
Nhu mì - là thái độ của người hết lòng trông cậy Chúa để được phần sản nghiệp vững bền Ngài sẽ ban cho mình.
Có thể mới nhìn qua thì đó là nghịch lý theo cách nghĩ của người trần, nhưng nước Chúa không giống như thế gian này.
Đói khát sự công bình - một phẩm chất nữa của công dân thiên quốc, khiến họ tự tách được mình ra khỏi thế gian hư hoại đầy những con người ưa tội lỗi và cái ác.
Hay thương xót - là điều thực sự biểu lộ lòng con người là tốt, qua việc làm ơn, cảm thông, giúp đỡ người khác.
Lòng trong sạch - sự thanh sạch của tấm lòng (lương tâm) bên trong con người, để họ có thể thấy được Đức Chúa Trời.
Chịu bắt bớ - một thái độ hy sinh của những người công dân vì vương quốc trên trời cao của mình, khi họ còn sống trên đất này. Vì họ là những người khác thường, thuộc về Vua chí cao, sống theo những tiêu chuẩn luật pháp đạo đức cao cả, cho nên nhất định sẽ phải gặp những sự xung khắc khi còn sống trên thế gian.
Nhưng cũng chính tinh thần sẵn sàng chịu sức ép trên đất này của họ sẽ được đền bù bằng phước Chúa đến từ quyền phép siêu nhiên của Ngài.
Và sống giữa thế gian này, người tin Chúa, người dân nước thiên đàng, phải là những nhân chứng về sự sáng và tình yêu thương của Đức Chúa Trời. Chính điều đó càng lôi cuốn nhiều người khác nhận biết và quay về với Cha trên trời.
Phân đoạn tiếp theo của chương 5 này nói về luật pháp của thiên quốc, để điều chỉnh quan hệ giữa những con người (5:17-48). Những tiêu chuẩn này cũng cao hơn nhiều so với luật pháp cũ thời Cựu Ước, vì chúng áp dụng cho lòng người chứ không chỉ cho các hành vi của họ.
17 Các ngươi đừng tưởng ta đến đặng phá luật pháp hay là lời tiên tri; ta đến, không phải để phá, song để làm cho trọn. 18 Vì ta nói thật cùng các ngươi, đương khi trời đất chưa qua đi, thì một chấm một nét trong luật pháp cũng không qua đi được cho đến khi mọi sự được trọn. 19 Vậy, ai hủy một điều cực nhỏ nào trong những điều răn nầy, và dạy người ta làm như vậy, thì sẽ bị xưng là cực nhỏ trong nước thiên đàng; còn như ai giữ những điều răn ấy, và dạy người ta nữa, thì sẽ được xưng là lớn trong nước thiên đàng. 20 Vì ta phán cho các ngươi rằng, nếu sự công bình của các ngươi chẳng trổi hơn sự công bình của các thầy thông giáo và người dòng Pha-ri-si, thì các ngươi chắc không vào nước thiên đàng.
Trong đoạn nói trên, Chúa Jê-sus khẳng định sự bất biến và trọn vẹn của luật pháp của Đức Chúa Trời. Ngài đến không phải để phá hủy luật pháp mà để làm cho trọn:
- Ngài làm trọn luật pháp - Ngài là Con Người duy nhất làm trọn vẹn được luật pháp của Đức Chúa Trời.
- Sau đó, Ngài đem ân điển cho những con người yếu đuối không thể hoàn thành đòi hỏi của luật pháp
- Những đòi hỏi tiêu chuẩn đạo đức của Đức Chúa Trời là bất di bất dịch
- Chúa nhấn mạnh rằng tiêu chuẩn của Chúa cao hơn tiêu chuẩn con người, dù đó là người mộ đạo nhất, cho nên để vào được nước Trời, không thể dựa vào sức (công bình đạo đức) của con người, mà phải nhờ sự công bình của Đức Chúa Trời.
Tiếp theo đó, Chúa Jê-sus nâng những tiêu chuẩn đó lên một tầm cao hơn nữa, để chúng ta thấy thật sự Đức Chúa Trời muốn gì ở con người chúng ta.
21 Các ngươi có nghe lời phán cho người xưa rằng: Ngươi chớ giết ai; và rằng: Hễ ai giết người thì đáng bị tòa án xử đoán. 22 Song ta phán cho các ngươi: Hễ ai giận anh em mình thì đáng bị tòa án xử đoán; ai mắng anh em mình là đồ điên, thì đáng bị lửa địa ngục hình phạt.
23 Ấy vậy, nếu khi nào ngươi đem dâng của lễ nơi bàn thờ, mà nhớ lại anh em có điều gì nghịch cùng mình, 24 thì hãy để của lễ trước bàn thờ, trở về giảng hòa với anh em trước đã; rồi hãy đến dâng của lễ. 25 Khi ngươi đi đường với kẻ nghịch mình, phải lập tức hòa với họ, kẻo họ nộp ngươi cho quan án, quan án giao ngươi cho thầy đội, mà ngươi phải ở tù. 26 Quả thật, ta nói cùng ngươi, ngươi trả còn thiếu một đồng tiền, thì không ra khỏi tù được.
Luật pháp cấm giết người. Chúa đòi hỏi cao hơn – thật chí không được ghét bỏ, mắng chửi. Thực tế là Chúa muốn nhổ rễ mọi sự hận thù khỏi lòng người để chúng ta biết sống phước hạnh trong sự hòa thuận. Đó là cách sống được tự do khỏi bị lên án và khỏi bị cầm tù trong xiềng xích thuộc linh, để được phước hạnh thật sự.
27 Các ngươi có nghe lời phán rằng: Ngươi chớ phạm tội tà dâm. 28 Song ta phán cho các ngươi biết: Hễ ai ngó đờn bà mà động tình tham muốn, thì trong lòng đã phạm tội tà dâm cùng người rồi.
29 Vậy nếu con mắt bên hữu xui cho ngươi phạm tội, thì hãy móc mà quăng nó cho xa ngươi đi; vì thà chịu một phần thân thể ngươi phải hư, còn hơn là cả thân thể bị ném vào địa ngục. 30 Lại nếu tay hữu xui cho ngươi phạm tội, thì hãy chặt mà liệng nó cho xa ngươi đi; vì thà chịu một phần thân thể ngươi phải hư, còn hơn là cả thân thể vào địa ngục.
31 Lại có nói rằng: Nếu người nào để vợ mình, thì hãy cho vợ cái tờ để. 32 Song ta phán cùng các ngươi: Nếu người nào để vợ mà không phải vì cớ ngoại tình, thì người ấy làm cho vợ mình ra người tà dâm; lại nếu người nào cưới đờn bà bị để, thì cũng phạm tội tà dâm.
Cội rễ các tội là ở trong lòng. Thí dụ, tà dâm sanh ra từ những tham muốn tình dục. Chúa chỉ cho chúng ta biết cách nghiêm khắc suy xét với những gì có trong lòng mình, để không bị tội lỗi lôi kéo mà chiến thắng được chúng ta. Rõ ràng Lời Chúa không chỉ răn dạy tiêu chuẩn cho những điều chúng ta làm, mà những điều trong tâm chúng ta nghĩ.
Nếu chúng ta thấy những điều này là không thể làm được bằng sức người, thì chúng ta càng hiểu mình cần đến sự thương xót và ân điển Chúa.
33 Các ngươi còn có nghe lời phán cho người xưa rằng: Ngươi chớ thề dối, nhưng đối với Chúa, phải giữ vẹn lời thề mình. 34 Song ta phán cùng các ngươi rằng đừng thề chi hết: đừng chỉ trời mà thề, vì là ngôi của Ðức Chúa Trời; 35 đừng chỉ đất mà thề, vì là bệ chơn của Ðức Chúa Trời; đừng chỉ thành Giê-ru-sa-lem mà thề, vì là thành của Vua lớn. 36 Lại cũng đừng chỉ đầu ngươi mà thề, vì tự ngươi không thể làm cho một sợi tóc nên trắng hay là đen được. 37 Song ngươi phải nói rằng: phải, phải; không, không. Còn điều người ta nói thêm đó, bởi nơi quỉ dữ mà ra.
Những lời con người nói vốn có quyền phép, thậm chí sự sống hay sự chết. Đặc biệt là những lời mà chúng ta hứa nguyện, hoặc làm chứng để khẳng định hoặc phủ nhận bất cứ một điều gì - vì khi muốn thêm trọng lượng cho những lời nói đó, nhiều người hay thêm lời thề thốt mà không hiểu rằng đó là mở cửa cho ma quỉ.
38 Các ngươi có nghe lời phán rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. 39 Song ta bảo các ngươi, đừng chống cự kẻ dữ. Trái lại, nếu ai vả má bên hữu ngươi, hãy đưa má bên kia cho họ luôn; 40 nếu ai muốn kiện ngươi đặng lột cái áo vắn, hãy để họ lấy luôn cái áo dài nữa; 41 nếu ai muốn bắt ngươi đi một dặm đường, hãy đi hai dặm với họ. 42 Ai xin của ngươi hãy cho, ai muốn mượn của ngươi, thì đừng trớ.
Mắt đền mắt, răng đền răng – đấy là đòi hỏi ân oán sòng phẳng theo luật pháp. Còn trong Tân Ước, trong thời đại ân điển – Chúa Jê-sus dạy chúng ta không trả oán, nhưng vẫn tiếp tục làm ơn, là một cách sống cao hơn.
Khi đọc những điều răn dạy này, đừng bao giờ quên rằng đó là dành cho những người công dân Thiên quốc, là những người đã được vào đó chỉ sau khi đã ăn năn và tiếp nhận Chúa Jê-sus để được tái sanh lại lòng mình, được Đức Chúa Trời đổi mới hoàn toàn bản tánh bên trong, và đang sống trong ân điển và quyền phép của Đức Chúa Trời.
Vì chỉ có người hết lòng tin cậy Chúa, mới hiểu và giao phó sự phán xét ân oán vào trong tay Đức Chúa Trời, hết lòng trông cậy Chúa bênh vực quyền lợi của mình, để tiếp tục làm ơn cho người khác.
Để khi bị sỉ nhục (người Do-thái thể hiện bằng cách vả bằng mu bàn tay mình vào má phải người khác), khi bị đối xử bất công (thậm chí kiện lấy áo ngắn là áo lót - những thứ cuối cùng của mình, vì luật người Do-thái là không bao giờ và không vì bất cứ lý do gì được lấy áo dài vừa là áo vừa là chăn vừa là gối đầu và là vật quan trọng sống còn với đời sống một con người), hoặc khi có ai dùng sức mạnh cưỡng chế (thời đó lính La-mã có quyền bắt người dân gặp dọc đường phải mang giúp họ binh khí trong quãng đường dà 1 dặm), thì chúng ta vẫn nhịn nhục và trông cậy sự bênh vực và giải cứu của Đức Chúa Trời.
Lấy ân trả oán, có phải là đỉnh cao của đạo đức cư xử, và cũng ngược hoàn toàn với cách sống thế gian là lấy oán trả ân? Tưởng là nghịch lý mà không phải. Vì chỉ cách đó mới có thể chặn đứng lại vòng tuần hoàn của cái ác, hơn nữa qua đó tình yêu Chúa sẽ chinh phục lòng người.
43 Các ngươi có nghe lời phán rằng: Hãy yêu người lân cận, và hãy ghét kẻ thù nghịch mình. 44 Song ta nói cùng các ngươi rằng: Hãy yêu kẻ thù nghịch, và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi, 45 hầu cho các ngươi được làm con của Cha các ngươi ở trên trời; bởi vì Ngài khiến mặt trời mọc lên soi kẻ dữ cùng kẻ lành, làm mưa cho kẻ công bình cùng kẻ độc ác. 46 Nếu các ngươi yêu những kẻ yêu mình, thì có được thưởng gì đâu? Những kẻ thâu thuế há chẳng làm như vậy sao? 47 Lại nếu các ngươi tiếp đãi anh em mình mà thôi, thì có lạ gì hơn ai? Người ngoại há chẳng làm như vậy sao? 48 Thế thì các ngươi hãy nên trọn vẹn, như Cha các ngươi ở trên trời là trọn vẹn.
Yêu người lân cận, ghét kẻ thù nghịch, cũng là những điều sòng phẳng tự nhiên. Đối đãi xứng đáng với những người xứng đáng. Nhưng nếu muốn nhân lên tình yêu thương (để nó lan rộng ra đến càng nhiều người khác), thì chính ta phải phá vỡ sự hẹp hòi của lòng mình. Hãy bắt chước tấm lòng của Chúa đối với cả mọi người.
Thử tóm tắt lại những ý Chúa nói trên, chúng ta hiểu rằng trong thời đại ân điển nhờ quyền năng và tình yêu Chúa, hãy làm ơn cả cho những kẻ không xứng đáng, cầu nguyện cho họ được thay đổi. Đấy là chúng ta bắt chước Cha chúng ta trên trời, để càng ngày càng trọn vẹn hơn trong lối sống và cách cư xử với mọi người.
(Ms Quốc Hùng)