Những điều Chúa Jê-sus đã làm cho những cá nhân con người và cho các dân tộc có thể kể ra nhiều đến nỗi không đủ sách mà ghi chép được. Nhưng ngược lại, vẫn có rất nhiều con người khác chưa nhận được những phước hạnh mà Ngài đã đem đến cho nhân loại. Cả những người cùng thời với Ngài, và cả những người thời hiện đại ngày nay.
Khi Chúa Jê-sus giảng đạo cho những người thời đó, Ngài đã kêu gọi: “ai có tai mà nghe, hãy nghe” – mặc dù họ đều đang ngồi nghe Ngài cả, nhưng đôi tai trong lòng không biết nghe vì thế nên không nghe thấy được. Mặc dù mắt họ nhìn thấy rõ ràng Con một của Đức Chúa Trời, nhưng tấm lòng mù lòa đã không cho họ nhận ra Ngài là sự sáng cho thế gian, đến đem cho họ ánh sáng cứu rỗi.
Những chân lý về đạo của Đức Chúa Trời khó hiểu khó tiếp nhận không phải vì quá cao siêu phức tạp, mà vì lòng người không muốn tiếp nhận. Được bày tỏ ra qua các sứ-đồ và tiên tri, nền tảng giáo lý cho người tin Chúa và Hội thánh cũng không nặng nề phức tạp chút nào. Tất cả đều xoay một tâm điểm, là để hướng con người lên thập tự giá, nhìn lên mọi tài sản phước hạnh siêu phàm mà Đức Chúa Trời đã ban cho loài người qua Chúa Cứu thế Jê-sus.
Và người nào tin là người nhận được.
Vấn đề là thái độ của con người với thập tự giá. Đó là yếu tố quyết định, để hoặc nhận được phước sự sống đời đời, được có Chúa bên cạnh, và quyền phép Ngài nâng đỡ cuộc đời mình, hoặc sẽ phải tiếp tục con đường của những linh hồn đơn độc dẫn xuống nơi lửa thiêu cháy đời đời.
Thế giới những con người công bình, bình an, thỏa nguyện trong phước hạnh dư dật, và thế giới của những linh hồn dằn vặt vì tội lỗi, lo sợ cái ác, mưu toan, tranh đấu rồi sau cùng tuyệt vọng với mọi ước mơ tan vỡ, đang song song tồn tại trên quả đất này.
Cánh cửa nơi biên giới giữa hai thế giới nói trên, mà bước qua đó ta có thể được chuyển từ thế giới tối tăm vào vương quốc sáng láng – là thập tự giá.
Và thái độ của bạn với Con người bị đóng đinh trên đó là chìa khóa để mở cánh cửa mầu nhiệm này.
Chúng ta tin và kêu cầu Đấng đó là Con một của Đức Chúa Trời đã đến chịu chết chuộc tội cho mình, thì lập tức quyền phép sự sống mới của Đức Chúa Trời đến với đời sống chúng ta. Nhưng vẫn có nhiều người không đến với sự sống đã phô bày sẵn ra cho họ, mà vẫn tiếp tục con đường dẫn đến hư vong.
Bởi vì lời giảng về thập tự giá, thì những người hư mất cho là điên dại; song về phần chúng ta, là kẻ được cứu chuộc, thì cho là quyền phép của Ðức Chúa Trời. (1 Cô-rinh-tô 1:18)
Thời kỳ mới tin nhận Chúa, mặc dù vẫn còn phải thay đổi nhiều nếp nghĩ vô thần cũ, gia đình chúng tôi hầu như ngay lập tức thấy phước Chúa bắt đầu đến với đời sống mình. Sự chúc phước qua việc Chúa nhậm lời cầu nguyện rõ ràng đến nỗi những người xung quanh phải nhận xét rằng chúng tôi là những người may mắn, có “quý nhân phù trợ”. Nhưng khi chúng tôi nói với họ rằng “quý nhân” đó chính là Đức Chúa Trời, và kể về Chúa Jê-sus cho họ, thì họ chỉ cười và lắc đầu, còn tỏ thái độ thương hại chúng tôi nữa.
Điều làm chúng tôi phân vân mãi khi đó, là vì sao Chúa Jê-sus tốt lành như vậy, mà con người vẫn lảng tránh và từ chối không đến với Ngài hết lòng? Về sau chúng tôi mới tìm được câu trả lời, trong đoạn Kinh thánh mà chúng ta đang đọc.
Có những người cho rằng thập tự giá là chuyện rồ dại, vì họ cho rằng họ quá khôn ngoan. Có những người coi thường đạo Chúa và từ chối cánh tay Ngài chìa ra cho mình, vì họ ỷ vào sự thông thạo của mình, cũng như con kiến từ chối bàn tay con người chìa ra giúp để rồi bị cuốn phăng đi khi dòng nước lũ tràn đến.
1 Cô-rinh-tô 1
19 cũng có lời chép rằng: Ta sẽ hủy phá sự khôn ngoan của người khôn ngoan, Tiêu trừ sự thạo biết của người thạo biết. 20 Người khôn ngoan ở đâu? Thầy thông giáo ở đâu? Người biện luận đời nay ở đâu? Có phải Ðức Chúa Trời đã làm cho sự khôn ngoan của thế gian ra dồ dại không? 21 Vì, tại thế gian cậy sự khôn ngoan mình, chẳng nhờ sự khôn ngoan Ðức Chúa Trời mà nhận biết Ðức Chúa Trời, nên Ngài đành lòng dùng sự giảng dồ dại của chúng ta mà cứu rỗi những người tin cậy.
Thế gian cậy sự khôn ngoan mình, chẳng nhờ sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời, thì họ sẽ không bao giờ nhận biết được Chúa. Họ sẽ tiếp tục con đường hư mất và vẫn ảo tưởng tự khen là mình đi đúng, nếu vẫn tiếp tục coi thập tự giá và lời giảng về thập tự giá là sự rồ dại.
Còn những người có lòng tin thập tự giá, sẽ nhận được sự bày tỏ từ Đức Chúa Trời và có được sự khôn ngoan để tiếp nhận mọi phước hạnh của Ngài. Chúa sẽ làm ra sự khác biệt sau cùng, khi người khôn ngoan đời này sẽ phải nhận ra mình đã quá rồ dại khi đến đứng trước mặt Đức Chúa Trời và chịu sự phán xét đời đời.
1 Cô-rinh-tô 1
22 Vả, đương khi người Giu-đa đòi phép lạ, người Gờ-réc tìm sự khôn ngoan, 23 thì chúng ta giảng Ðấng Christ bị đóng đinh trên cây thập tự, là sự người Giu-đa lấy làm gương xấu, dân ngoại cho là dồ dại; 24 song le, về những người được gọi, bất luận người Giu-đa hay người Gờ-réc, thì Ðấng Christ là quyền phép của Ðức Chúa Trời và sự khôn ngoan của Ðức Chúa Trời. 25 Bởi vì sự dồ dại của Ðức Chúa Trời là khôn sáng hơn người ta, và sự yếu đuối của Ðức Chúa Trời là mạnh hơn người ta.
Thế gian cũng có thể đi tìm kiếm Chúa Trời, nhưng theo cách mà đầu họ tự nghĩ ra. Cũng cầu phước, nhưng trông vào những ông phỗng được chính tay họ tô vẽ cho đẹp, lập đó là thần của mình, rồi xì xụp khấn vái.
Cũng đi cầu nguyện, đến những nơi họ coi là đã thoát tục, để xin những điều họ gọi là trần tục. Thế gian bỏ tiền đi làm việc công đức, mong mua chuộc lại những lỗi lầm của mình, để lại được tự do làm điều tội lỗi tiếp tục, cho đến lần sau, khi lương tâm không còn chịu nổi nữa lại phải chạy đến mua sự bình an tạm, tự yên ủi lương tâm mình bằng thứ thuốc tê, chứ không muốn chữa cho nó lành hẳn.
Thế gian tự mâu thuẫn, và bị Lời Chúa đánh giá là rồ dại, vì họ không nhờ sự mở mắt của Đức Chúa Trời.
Thế gian thật đáng thương, vì chỉ biết dựa vào tôn giáo, vào triết lý, vào mưu mô, và việc công đức của mình. Để tìm cách che cái xấu của mình, khoe cái đẹp theo mắt mình, từ chối thừa nhận cái xấu của bản thân để nhận cái đẹp đến từ Chúa.
Điều này vốn có từ ngàn xưa, là điều tổ phụ loài người đã làm khi phạm tội.
Rô-ma 3:23 vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Ðức Chúa Trời,
Khi A-đam E-va mất ơn Chúa, không còn vinh hiển Ngài che phủ, họ lộ ra con người trần trụi đáng xấu hổ, và họ bèn lấy lá vả đóng khố che thân.
Khi nghe tiếng Đức Chúa Trời đến tìm gọi mình, họ lẩn trốn Ngài.
Khi nghe Chúa phán hỏi về việc mình đã làm, họ không thừa nhận sai trái, xin lỗi để được tha thứ, mà đùn đẩy tội sang người khác.
Trong khi tốt hơn cả là thừa nhận sự xấu xa, yếu đuối của mình, để lại được ơn Chúa thương xót che phủ.
Từ đó đến nay con người vẫn dại dột mong lấy việc công đức làm lá vả để khoe mình.
Tôn giáo với các hình thức làm việc công đức và các triết lý nhân đạo thế gian chỉ là một hình thức lá vả che thân. Khi con người thiếu mất vinh hiển của Đức Chúa Trời, mất ơn của Chúa, con người tự tìm cách tô vẽ mình cho sạch bên ngoài.
Nhưng Đức Chúa Trời làm cho sạch từ trong tâm ra.
Tâm điểm của Tin lành là thập tự giá, là nơi để con người đến mà nhìn thấy hiện trạng thật của mình, kết cục thật của mình, nếu vẫn không chịu ăn năn. Đấy là sự bất toàn, sự yếu đuối, thất bại, xấu hổ, nhục nhã của loài người bị Đức Chúa Trời đóng đinh trên cây thập tự.
Đấy là bán án phán quyết cho con người với mọi dục vọng ích kỷ của xác thịt thấp hèn, dù cho có được đóng gói mỹ miều bằng mọi việc công đứng, lý luận triết lý, và những mưu mô khôn khéo.
Đấy không phải là con Đức Chúa Trời bị phán quyết, mà là bạn và tôi, chúng ta đều xứng đáng bị phán quyết. Bản án đó không phải là dành cho Ngài, mà là dành cho chúng ta.
Chính vì không hiểu điều này mà người đời ưa triết lý, tự coi mình khôn ngoan, đã không chịu thuận phục thập tự giá, vì như thế thì họ phải thừa nhận sự yếu đuối, bất toàn và cái tâm mình đầy mưu mô độc ác.
Chính vì không hiểu điều này mà người Giu-đa, là những người biết đến Đức Chúa Trời hẳn hoi, lại không thể tin và nhận một Đấng Mê-si bị xử án và chết nhục nhã trên thập hình như vậy. Họ coi thập tự giá là một gương xấu, một sự sỉ nhục cho Đức Chúa Trời, trong khi đó là Ngài chỉ ra và gánh thay sự sỉ nhục của họ. Họ cho rằng Đấng đến từ Đức Chúa Trời phải được quảng bá bằng những phép lạ đặc biệt đầy vinh quang để làm chứng về Ngài. Trong khi Ngài đem vinh quang đó mà đổi lấy mọi thất bại của chúng ta.
Thái độ con người đối với thập tự giá là quyết định tất cả.
Đấy là tôi và bạn, chúng ta phải nhìn nhận rằng mình chẳng ra chi nếu không có ơn của Đức Chúa Trời. Nếu không được Ngài tẩy sạch tâm linh mình, nếu không noi theo Lời Ngài, và nếu không biết trông cậy Ngài trong cuộc sống.
Không phải chúng ta chỉ đến với thập tự giá một lần tin Chúa là đủ. Nghĩ như thế chẳng khác gì người Giu-đa, biết Chúa một lần rồi khoe khoang, mà không đầu phục Lời răn của Ngài tiếp tục.
Thập tự giá nhắc cho tôi và bạn rằng chúng ta luôn luôn cần đến ơn (ân điển) của Đức Chúa Trời.
Ân điển là tất cả. Được ơn hay mất ơn, đó là hai khác nhau của đời sống người tin Chúa. Ai càng biết mình yếu đuối, dại dột, rất cần đến ân điển của Đức Chúa Trời, thì người đó sẽ càng được Ngài nhấc lên. Còn ai cho mình là khôn ngoan, khoe mình, khinh bỉ người khác, người đó sẽ bị hổ thẹn.
1 Cô-rinh-tô 1
26 Hỡi Anh em, hãy suy xét rằng ở giữa anh em là kẻ đã được gọi, không có nhiều người khôn ngoan theo xác thịt, chẳng nhiều kẻ quyền thế, chẳng nhiều kẻ sang trọng. 27 Nhưng Ðức Chúa Trời đã chọn những sự dại ở thế gian để làm hổ thẹn những sự mạnh; 28 Ðức Chúa Trời đã chọn những sự hèn hạ và khinh bỉ ở thế gian, cùng những sự không có, hầu cho làm những sự có ra không có, 29 để chẳng ai khoe mình trước một Ðức Chúa Trời. 30 Vả, ấy là nhờ Ngài mà anh em ở trong Ðức Chúa Jêsus Christ, là Ðấng mà Ðức Chúa Trời đã làm nên sự khôn ngoan, sự công bình, sự nên thánh, và sự cứu chuộc cho chúng ta; 31 hầu cho, như có lời chép rằng: Ai khoe mình, hãy khoe mình trong Chúa.
Vậy thì, bạn cũng hay đừng lo đừng buồn nếu đức tin bạn bị người ta chê cười, dè bỉu. Chúa chọn những người “dại” như chúng ta để những kẻ tưởng mình mạnh sau này sẽ phải lặng câm. Chúa chọn chúng ta lúc chúng ta khốn cùng, thiếu thốn, không có gì, để làm chúng ta ra thành những con người có tất cả. Vì ai có đức tin thì người đó có tất cả, cả sự dư dật vật chất, cả mọi phước hạnh tâm linh tâm hồn mà không có vật chất nào có thể mua nổi.
Và Chúa muốn ban chúng ta sự khôn ngoan thật – để biết những đường lối Ngài sẽ dẫn chúng ta đến và sở hữu được những tài sản vô giá bền lâu.
Cả sự công bình – để được quyền đến và đứng trước mặt Đức Chúa Trời với lương tâm trong sạch, bất cứ lúc nào mà không phải lom khom sợ hãi vì mọi mặc cảm tội lỗi nữa.
Cả sự nên thánh – để được ngày càng gần Chúa hơn, và biến đổi chính linh hồn mình trở nên giống Đức Chúa Trời, mà phản chiếu sự sáng Chúa.
Cả sự cứu chuộc – để biết chắc tương lai mình, nơi ở đời đời của linh hồn mình nơi thiên đàng và trời mới đất mới, và quyền năng cứu chuộc luôn nâng đỡ và giải cứu khỏi mọi yếu đuối, thiếu sót, trong mọi cám dỗ.
Để cuối cùng, mọi người đều thấy: Ngoài Chúa chẳng có gì đáng khoe, nếu có gì đáng khoe là khoe trong Chúa.
Hãy nhớ rằng Phao-lô nói những điều này với tư cách một người Pha-ri-si – tầng lớp giàu có mà đạo đức, nổi tiếng về sự sùng đạo, và được kính trọng nhất trong dân sự.
Nhưng ông bỏ hết mọi sự đó, mà nói rằng chẳng có gì đáng biết đáng khoe ngoài THẬP TỰ GIÁ.
1 Cô-rinh-tô 2
1 Hỡi Anh em, về phần tôi, khi tôi đến cùng anh em, chẳng dùng lời cao xa hay là khôn sáng mà rao giảng cho anh em biết chứng cớ của Ðức Chúa Trời. 2 Vì tôi đã đoán định rằng ở giữa anh em, tôi chẳng biết sự gì khác ngoài Ðức Chúa Jêsus Christ, và Ðức Chúa Jêsus Christ bị đóng đinh trên cây thập tự. 3 Chính tôi đã ở giữa anh em, bộ yếu đuối, sợ hãi, run rẩy lắm. 4 Lời nói và sự giảng của tôi chẳng phải bằng bài diễn thuyết khéo léo của sự khôn ngoan, nhưng tại sự tỏ ra Thánh Linh và quyền phép; 5 hầu cho anh em chớ lập đức tin mình trên sự khôn ngoan loài người, bèn là trên quyền phép Ðức Chúa Trời.
Thập tự giá nhắc chúng ta sự bất toàn và thất bại của con người, nếu không có Đức Chúa Trời.
Là nơi chúng ta đến và bỏ sự kiêu ngạo mình xuống đó. Kiêu ngạo là coi ý mình cao hơn ý Đức Chúa Trời.
Là nơi chúng ta từ bỏ tội lỗi mình mà thực sự Ăn năn. Vì không thể từ bỏ điều mà chúng ta không ghét không muốn bỏ.
Là nơi chúng ta bỏ sự khôn ngoan mưu mẹo của mình xuống
Những người tin Chúa với tấm lòng đơn sơ theo Lời Ngài bao giờ cũng vững vàng và được phước hơn.
Là nơi chúng ta bỏ mọi triết lý lý luận của mình xuống.
Và bắt đầu tập sống với tấm lòng tin cậy Lời Chúa, để sẽ dễ hiểu dễ theo đường lối của Chúa hơn.
Là nơi chúng ta phải thừa nhận mọi việc làm công đức của mình chỉ là áo nhớp trước mặt Đức Chúa Trời – để nhận được áo trắng công bình của Ngài.
Ê-sai 62:6 Chúng tôi hết thảy đã trở nên như vật ô uế, mọi việc công bình của chúng tôi như áo nhớp; chúng tôi thảy đều héo như lá, và tội ác chúng tôi như gió đùa mình đi.
Chúa phát cho chúng ta áo trắng công bình.
Là nơi chúng ta thừa nhận sự yếu đuối của mình, để trở nên mạnh mẽ trong Đức Chúa Trời.
Vì những người nhu mì sẽ được ơn Chúa luôn luôn.
2 Cô 12
9 Nhưng Chúa phán rằng: Ân điển ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối. Vậy, tôi sẽ rất vui lòng khoe mình về sự yếu đuối tôi, hầu cho sức mạnh của Ðấng Christ ở trong tôi. 10 Cho nên tôi vì Ðấng Christ mà đành chịu trong sự yếu đuối, nhuốc nha, túng ngặt, bắt bớ, khốn khó; vì khi tôi yếu đuối, ấy là lúc tôi mạnh mẽ.
Là nơi chúng ta đến bỏ mình đi mà noi theo Thánh Linh Chúa
Khi đó mới thực sự hầu việc Chúa bởi quyền phép Thánh Linh. Vì chữ làm cho chết, Thánh Linh làm cho sống.
Khi đó chúng ta mới thực sự nhờ ân điển Chúa mà sống và làm đều sáng danh Chúa.
Để chúng ta không khoe mình, mà khoe Đức Chúa Jê-sus đang sống ở trong mình, qua mình!
Ms Quốc Hùng. Hội thánh Tin lành Mát-xcơ-va