Sự hiệp một

Article Index

 

Bản thiết kế của Đức Chúa Trời

Cuối cùng, trước khi bắt tay thực sự vào việc, bạn cần phải nhìn thấy mô hình của những gì mình ước muốn xây. Hay là bản thiết kế của Đức Chúa Trời cho nó.

Đó là sự hiệp một của thân thể (Cô-rinh-tô 12, Rô-ma 12) khi những chi thể khác nhau hiệp một trong ước muốn, chứ không phải của trại lính nơi mọi người đều giống hệt nhau và mọi mệnh lệnh đều phải tuân theo vô điều kiện.

"Vì chưng chúng ta, hoặc người Giu-đa, hoặc người Gờ-réc, hoặc tôi mọi, hoặc tự chủ, đều đã chịu phép báp-têm chung một Thánh Linh để hiệp làm một thân; và chúng ta đều đã chịu uống chung một Thánh Linh nữa." (1 Cô-rinh-tô 12:13)

Chúng ta là chi thể đối với nhau, và chúng ta cần đến nhau. Nói với người lân cận mình rằng "tôi có thể vẫn cứ sống tốt mà chẳng cần đến anh" cũng ngây ngô y như chuyện cái chân lại nói với tay rằng "ta chẳng cần đến ngươi", hoặc như khi cái tai nói rằng "ta chẳng thuộc vào cái cơ thể này vì ở đó chẳng có ai giống ta". Không!

"Nếu chân rằng: Vì ta chẳng phải là tay, nên ta không thuộc về thân, thì chẳng phải bởi đó chân không có phần trong thân. Và Nếu tai rằng: Vì ta chẳng phải là mắt, nên ta không thuộc về thân, thì chẳng tai phải bởi đó không có phần trong thân. Ví bằng cả thân đều là mắt, thì sự nghe ở đâu? Ví bằng cả thân đều là tai, thì sự ngửi ở đâu? Nhưng bây giờ, Đức Chúa Trời đã sắp đặt cho các chi thể của thân, ban cho mỗi một chi thể cái địa vị theo ý Ngài lấy làm tốt mà chỉ định. Nếu chỉ có một chi thể mà thôi, thì cái thân ở đâu? Vậy, có nhiều chi thể, song chỉ có một thân." (1 Cô-rinh-tô 12:15-20)

Phao-lô nói về thân thể Đấng Christ, mà mỗi người đều trực thuộc. "Các chi thể không làm một việc giống nhau". Chúng ta khác nhau, nhưng không một ai trong chúng ta có trong mình đủ mọi ơn để hầu việc cách hoàn toàn trọn vẹn. Điều này cũng đúng trong quan hệ một gia đình, mà mối quan hệ giữa vợ chồng cũng được định theo mẫu "một thịt".

Đó là lý do vì sao chúng ta cần đến lẫn nhau.

Không ai được nghĩ rằng mình có thể sống thiếu các anh chị em mình.

Chúng ta không thể tự mình là đủ.

Chúng ta không thể cho phép mình một sự xa xỉ là kiêu ngạo đến như vậy.

Các bài giảng trong Hội thánh thường mang tính cá nhân, nhấn mạnh cái "TÔI". Cơ-đốc nhân đã quen nghĩ thế này: "Tôi tiếp nhận Chúa Jê-sus làm Cứu Chúa riêng của mình. Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng Christ ban thêm sức cho tôi. Tôi có khải tượng và sự kêu gọi. Tôi có sự thông công với Đức Chúa Trời. Tôi cần phải vâng phục Đức Chúa Trời. Tôi, tôi, tôi." Tất nhiên là điều đó là đúng, và không cần phải bàn cãi. Đức Chúa Trời quả thật làm việc riêng với mỗi người chúng ta. Chúng ta tiếp nhận Ngài cách riêng tư, tương giao với Ngài, được đến nhận mọi phước lành của Ngài và phải chịu trách nhiệm trước Ngài. Nhưng quan trọng hơn phải thấy được là Kinh Thánh nhấn mạnh không ở chữ "TÔI", mà ở chữ "chúng ta".

Trước tiên, Kinh Thánh đề cao không phải cá nhân, mà tập thể.

Hội thánh.

Thân thể.

Gia đình.

Chúng ta không thể đầy phước hạnh chân thật khi riêng rẽ, mà chỉ khi cùng nhau! Chỉ khi cùng là chi thể của một thân!

"Lại, trong các chi thể, khi có một cái nào chịu đau đớn, thì cái khác đều cùng chịu; và khi một cái nào được tôn trọng, thì các cái khác đều cùng vui mừng." (1 Cô-rinh-tô 12:26)

Chúng ta ràng buộc với nhau.

Chúng ta phụ thuộc vào nhau.

Quan điểm "ai biết phận người nấy" không chấp nhận được đối với cơ-đốc nhân nào biết Kinh Thánh. Nó lầm lạc.

Không ai trong chúng ta là tự đủ cho mình.

Dưới ánh sáng của Kinh Thánh thấy rõ là không ai có thể hầu việc Chúa một mình! Và chính vì vậy nên cần phải giải phóng mọi người khỏi sự "cá nhân chủ nghĩa trong Đấng Christ". Mỗi người chúng ta có một chỗ nhất định. Công việc nhất định. Và Nếu thiếu nhau chúng ta không trọn vẹn và vô dụng, cũng vô dụng giống như cánh tay bị cắt rời khỏi thân. Nó có thể làm gì được? Nó có thể làm điều gì tốt khi lìa khỏi thân thể? Đó chỉ là một cục thịt xấu xí đẫm máu. Khi mà cánh tay được nối liền với thân thể và nằm đúng vị trí, nó thật tuyệt vời. Nó là hữu ích.

Mỗi người chúng ta là đặc biệt.

Mỗi người chúng ta có vai trò riêng của mình.

Mỗi người chúng ta cần đến người lân cận mình, và người lân cận cũng cần đến ta.

chúng ta không thể sống thiếu nhau được! Ôi, cuộc sống chúng ta thật sẽ thay đổi biết bao, Nếu chúng ta thật sự hiểu được điều này!

Bạn khác tôi, đó là tốt, vì bạn sẽ làm được những phần việc tôi không làm nổi. Bạn có cách nhìn khác tôi, đó là tốt, vì Chúa giao cho bạn phần việc khác tôi, và cùng nhau chúng ta sẽ giữ cho nhau khỏi bị lệch đường.

Tôi không thể thiếu bạn.

Tôi cần đến mỗi anh em. Tôi cần đến những ân tứ của anh em, vì tôi không có đủ mọi ơn. Tôi cần đến những sự tỏ ra của anh em, vì tôi không có đủ mọi sự tỏ ra. Tôi cần đến sự khôn ngoan của anh em, vì tôi không có đủ cả sự khôn ngoan. Tôi cần đến sự giúp đỡ của anh em, vì tôi không thể gánh vác sự hầu việc Chúa một mình!

Nếu bạn nghĩ khác, không có nghĩa là bạn phải tách ra đứng trên đôi chân của mình. Nếu cánh tay phải cắt mình ra khỏi thân, thì nó còn hữu ích được bao nhiêu?

Tôi tin Đức Chúa Trời hành động trong lòng tôi cũng hành động trong lòng bạn, để chúng ta cùng hợp sức hoàn thành công việc Ngài giao trên đất.

Bạn không thể thiếu tôi.

Bạn có tin điều này không?

Hội thánh cần phải được tổ chức cách đúng đắn. Các lãnh đạo cần phải làm hết những gì phụ thuộc vào mình để mọi người đều có thể tham gia đóng góp phần mình. Người ta không chỉ đến Hội thánh để nhận, nhưng còn để ban cho! Mỗi một con người cần phải cảm thấy: dù cho phần đóng góp có nhỏ đến đâu, Thân thể vẫn cần đến họ. Thân thể coi trọng họ.

Đức Chúa Trời cần đến công sức của mỗi người.

Không có ai là thừa!

Đức Chúa Trời đã định sẵn chỗ cho mỗi người.

Hay là bạn định chỗ cho họ?

Sự hiệp một là nguồn gốc của phước lành trong mọi lĩnh vực cuộc sống chúng ta. Để cuộc sống chúng ta tràn đầy sự hiện diện và quyền năng Đức Thánh Linh, đầy niềm vui và sự thoả mãn với những phước lành tâm hồn và vật chất dư dật, không phải đợi đến khi lên trời, mà ngay từ bây giờ, trên đất này! Và đó là vũ khí mạnh nhất mà Đức Chúa Trời đã trao cho Hội Thánh bách chiến bách thắng của Ngài, để phá vỡ mọi cửa địa ngục, giải phóng mọi con người.

Không phải là Chúa Jê-sus đã cầu nguyện về điều đó hay sao?

Không phải là Đức Chúa Cha đã nhậm lời cầu nguyện đó sao?

Chúng ta có thể đạt được những mục đích của Đức Chúa Trời ... khi chúng ta ở cùng nhau.

Q.H. Tinlanh.ru



© 1999-2017 Tinlanh.Ru